Giữ rừng bằng quy ước

ĐBP - 'Tùy mức độ vi phạm, cá nhân hoặc hộ gia đình sẽ không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng ít nhất 3 năm, thậm chí không cho tham gia vào hoạt động truyền thống của bản…'. Đây là một trong những quy định được người dân bản Mường Tùng, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà thống nhất đưa vào quy ước bảo vệ rừng của bản và đó cũng là cách giữ rừng của người dân nơi đây suốt nhiều năm qua.

Người dân bản Mường Tùng phát quang cây bụi, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.

Quy ước giữ rừng

Không phải ngẫu nhiên người dân bản Mường Tùng có ý thức bảo vệ rừng đến vậy. Theo các cụ cao niên trong bản, cách đây mười mấy năm về trước, nhiều cánh rừng quanh bản gần như bị “cạo trọc” để trồng ngô, trồng lúa. Mấy vụ đầu, nhờ tàn tích tro bụi của cây rừng nên ngô, lúa được hạt. Thế nhưng, đất ngày càng bạc màu, người dân lại chuyển sang phá rừng làm nương chỗ khác, rừng vì vậy thưa dần. Cây măng, cây nấm hay mật con ong rừng cũng không còn kiếm được dễ dàng. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, khi hậu quả của việc phá rừng tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, người dân trong bản mới thấy thấm thía.

Tiếc rừng, nhưng không phải đã hết cơ hội khi từ năm 2013, bản Mường Tùng được giao chăm sóc, bảo vệ gần 300ha rừng để hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Sau đó vài năm, bản tiếp tục được giao khoanh nuôi tái sinh thêm 100ha rừng. Đồng lòng, quyết tâm giữ rừng, năm 2015, Bản Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng với 6 chương, 18 điều đã được người dân bản Mường Tùng thống nhất xây dựng. Trong quy ước quy định rất chi tiết từ việc sử dụng, phát triển tài nguyên rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), chăn thả gia súc, đốt nương… đến các quy định về việc xử phạt. Nhẹ thì phạt bồi thường từ 50 - 200 nghìn đồng. Nặng hơn, nếu diện tích rừng bị thiệt hại từ 500m2 trở lên, ngoài chịu xử lý theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng ít nhất 3 năm, không được bản xem xét ưu tiên khai thác lâm sản ngoài gỗ trong 6 tháng; đồng thời phải kiểm điểm trước cộng đồng, thậm chí không cho tham gia vào hoạt động truyền thống của bản…

Lật giở từng trang quy ước trên tay, trưởng bản Vi Văn Núi chậm rãi kể: Dân chúng tôi ít hiểu biết về pháp luật nên những quy định cụ thể trong quy ước là rất quan trọng. Ai làm việc gì, cứ đối chiếu với quy ước bản là biết mình sai hay đúng. Hơn nữa, quy ước được thảo luận, xây dựng từ chính những người dân, từ thực tiễn của địa bàn nên hiệu quả tác động với người dân rất lớn, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng. Ví dụ, cách đây vài năm có trường hợp 1 người dân trong bản tự ý vào rừng chặt 1 cây thồ lộ (còn gọi là vối thuốc) để mang về thay cột nhà bếp bị hỏng. Sau khi bị Ban Quản lý rừng của bản phát hiện, người vi phạm đã phải bồi thường 50 nghìn đồng; đồng thời phải chi trả chi phí đi kiểm tra khu vực vi phạm, dù cây gỗ bị chặt hạ có đường kính chưa đến 10cm. Nhờ thực hiện nghiêm quy ước, nên bây giờ người dân trong bản chẳng ai dám tùy tiện chặt, phá cây rừng.

Được biết, từ tháng 1/2020, bản Mường Tùng sáp nhập với bản Phiêng Ban, lấy tên bản là Mường Tùng. Diện tích bảo vệ rừng của bản cũng tăng lên hơn 527ha, nhưng không vì thế mà công tác bảo vệ rừng bị lơ là. Đều đặn mỗi tháng, Tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản gồm 10 - 12 người sẽ đi tuần tra rừng từ 2 - 3 lần. Vào mùa khô, khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch, là lúc người dân lên rừng đốt rẫy, làm nương, vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Cũng bởi vậy, khoảng thời gian này, các chuyến tuần tra rừng được Tổ tuần tra tăng lên gấp đôi, gấp ba, từ 6 - 7 lần/tháng.

Hưởng lợi từ rừng

Những cánh rừng ở Mường Tùng ngày càng trở nên xanh thẳm. Người dân bản Mường Tùng giờ đây đã được hưởng những trái ngọt từ rừng, nhất là nguồn lợi từ việc khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, như: nấm, măng, sa nhân, hạt dé, quả đỏ…

Trưởng bản Vi Văn Núi (bên phải) xem lại những quy định trong quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng của bản Mường Tùng.

Thời điểm này, người dân bản Mường Tùng đang phấn khởi với vụ măng mới. Qua câu chuyện với trưởng bản Vi Văn Núi, được biết những năm gần đây, trung bình mỗi vụ măng (thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 10) dân bản thu được 25 - 30 tấn măng tươi. Tùy măng tre hay măng nứa giá bán dao động từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người dân không được tự ý lên rừng khai thác, mà trước đó phải có ý kiến với Ban Quản lý rừng của bản, sau đó Ban Quản lý đăng ký khai thác với UBND xã. Sau khi được UBND xã chấp thuận, người dân mới được vào rừng khai thác măng. Hơn nữa, để khai thác bền vững, mỗi người dân đều được tuyên truyền không thu tận diệt khi lấy măng rừng, mà phải để lại vài búp non cho măng lên thành cây, có như vậy những năm sau mới có măng để thu hái.

Chị Lò Thị Khỏ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường Tùng, thành viên Tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản chia sẻ: Rừng cho dân mình nguồn nước, không khí trong lành, mát mẻ, che chắn gió bão nên người dân ai cũng tự giác bảo vệ rừng. Bởi vậy, tuy rừng gần như thế nhưng dân bản không ai dám tự tiện vào rừng khai thác. Kể cả việc lấy củi trong rừng, người dân cũng không được chặt những cây còn sống mà phải lấy củi khô. Việc thu hái các loại sản vật khác cũng vậy, người dân không bao giờ lấy kiệt.

Chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, mỗi năm người dân bản Mường Tùng còn được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền trên, ngoài phục vụ trở lại công tác quản lý, bảo vệ rừng, còn lại được chia đều cho các hộ dân để trang trải thêm chi phí sinh hoạt. Ví dụ năm 2019, cộng đồng bản Mường Tùng được chi trả hơn 260 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Bản đã thống nhất trích lại 10% mua trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, hội họp, tổng kết, khen thưởng, mua dụng cụ PCCCR và chi phụ cấp cho các thành viên trong Tổ Bảo vệ rừng. Số tiền còn lại được chia đều cho các hộ gia đình trong bản. Với số hộ dân thời điểm năm 2019 là 34 hộ, bình quân mỗi hộ được nhận gần 7 triệu đồng tiền bảo vệ rừng.

Cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống cùng rừng, hưởng lợi từ rừng nên người dân bản Mường Tùng coi việc giữ rừng luôn xanh tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Tâm đắc với cách giữ rừng của bản Mường Tùng, ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng đánh giá: Từ ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, mà nhiều năm nay trên địa bàn không xảy ra cháy rừng; không còn hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác lâm sản trái phép; quy ước giữ rừng được người dân trong bản thực hiện nghiêm túc. Điều này góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của xã Mường Tùng từ 43,1% (năm 2015) tăng lên 55,24% (tính đến hết năm 2020), xã cũng là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất huyện Mường Chà.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/190556/giu-rung-bang-quy-uoc