Giữ rừng trên dãy núi Pu Sâng

Đứng trên đỉnh Pu Sâng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, phóng tầm mắt ra xa, một màu xanh của núi rừng trải dài được nhân dân chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép.

Tổ bảo vệ rừng bản Mạt phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng.

Tổ bảo vệ rừng bản Mạt phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng.

Là một trong những thành viên tích cực bảo vệ rừng, anh Lường Văn Sinh, bản Mạt, cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, nếu có phát hiện chặt phá rừng hoặc có hiện tượng đốt nương gần gây nguy cơ cháy rừng, sẽ nhắc nhở người dân và báo cáo với Ban Quản lý bản để xử lý.

Còn ông Lò Văn Doan cùng bản chia sẻ: Rừng đã cho chúng tôi có nước sinh hoạt hằng ngày; vì vậy, cùng với tích cực bảo vệ, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân và người thân, con cháu trong gia đình không phát rừng làm nương, để rừng ngày càng phát triển tốt hơn.

Hiện nay, bản Mạt đang quản lý gần 12.000 ha rừng. Bản củng cố và kiện toàn tổ bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng, từ 10 đến 15 thành viên, với nòng cốt là lực lượng dân quân, đoàn thanh niên. Xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tổ bảo vệ rừng; trách nhiệm của các hộ dân tham gia tuần tra, bảo vệ, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; nếu người ở bản phát vén, phá rừng, thì sẽ cắt tiền hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng xung vào quỹ của bản; đồng thời, báo kiểm lâm đến xử lý theo pháp luật.

Ông Lò Văn Nơi, Trưởng bản Mạt, cho biết: Ban quản lý bản phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức họp dân để tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia giữ rừng; dựng lán trên đỉnh Pu Sâng, luân phiên 4 ngày một nhóm gồm 4 người là đại diện của các hộ mang theo lương thực, thực phẩm lên trông coi, tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng 24/24 giờ.

Mỗi năm, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản Mạt được nhận gần 1 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ dân bản Mạt được nhận gần 30 triệu đồng. Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân ngày một tốt hơn, nhiều năm nay, không có trường hợp nào vi phạm Luật Lâm nghiệp, không xảy ra cháy, chặt phá rừng cũng như khai thác lâm sản trái phép. Ông Hà Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, cho biết: Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với người dân bản Mạt để tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Mô hình quản lý và bảo vệ rừng ở bản Mạt là một điểm sáng về bảo vệ rừng cần được nhân rộng.

Mường Lèo có diện tích rừng lớn, với hơn 17.750 ha rừng; trong đó, bản Mạt là bản có diện tích rừng lớn nhất xã và có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trên 90%. Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Cùng với sự hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng trong năm vừa qua, ý thức trách nhiệm của bà con nhân dân trong quản lý bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 46,9%.

Cánh rừng trên dãy Pu Sâng được bảo vệ xanh tốt, để dòng suối Nậm Lăm, Nậm Mạt luôn dồi dào nguồn nước, phục vụ sản xuất cho hơn 12 ha ruộng lúa 2 vụ của bản; cảnh quan môi trường được giữ vững và rừng cũng tạo sinh kế cho người dân. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm của bà con bản Mạt, những cánh rừng nơi đây sẽ mãi xanh tươi, đời sống của nhân dân trong bản cũng ngày càng được nâng lên, người dân yên tâm sinh sống bên cạnh những cánh rừng.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-rung-tren-day-nui-pu-sang-54106