Giữ thương hiệu 'Cao Sơn ngọc Quế'

Từ rất lâu, cây quế Trà My (Quảng Nam) đã nổi tiếng không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Tiềm năng phát triển kinh tế mà cây quế mang lại rất cao, được đánh giá là sản phẩm thoát nghèo hiệu quả của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy vậy, trước rất nhiều khó khăn, thử thách, để giữ vững thương hiệu "Cao Sơn ngọc Quế" là một bài toán khó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, cái "bắt tay" bền chặt hơn từ nhiều phía.

Xác định tiềm năng kinh tế lớn từ cây quế, nhiều chính sách hỗ trợ người dân hướng đến phát triển cây quế đã được triển khai, xây dựng trong nhiều năm qua.

Xác định tiềm năng kinh tế lớn từ cây quế, nhiều chính sách hỗ trợ người dân hướng đến phát triển cây quế đã được triển khai, xây dựng trong nhiều năm qua.

Tiềm năng lớn

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My, thương hiệu "quế Trà My" đã được người dân và chính quyền địa phương gây dựng từ rất lâu. Thực tế, với điều kiện tự nhiên phù hợp cây quế được lựa chọn như là sản phẩm gắn mác đặc sản của vùng núi Trà My. Quế Trà My là cây trồng truyền thống và là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Xơ Đăng, Bhnoong. "Cây quế vốn là sản phẩm được nhiều nơi ưa chuộng, không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Quế gắn liền với đời sống người dân cũng như những phong tục tập quán lâu đời, đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa của đồng bào. Người dân Trà My luôn tự hào vì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình đều nắm trong tay tài sản có giá trị tự cây quế", ông Bửu cho hay.

Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, cây quế được người dân đầu tư phát triển với số lượng lớn. Từ những năm 80-90 của thế kỷ XX, cây quế Trà My được biết đến với thương hiệu "Cao Sơn ngọc Quế". "Tận dụng tối đa các diện tích đất trong vườn nhà, trên rẫy, trồng xen lẫn cây mít hoặc cây chè, những diện tích đất ở bờ ao, ven chân đồi người dân đã trồng thành rừng. Cùng lợi thế về đặc điểm thích nghi tốt, ít tốn công chăm sóc và không tốn kinh phí bỏ ra để mua phân bón, người dân chỉ cần đầu tư công sức trong thời gian ban đầu khi mới trồng như đào hố, ươm cây giống, làm cỏ... nên quế được người dân trồng rất nhiều. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và có của ăn, của để. Việc người dân mở rộng diện tích đã bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực điển hình như các hộ dân ở xã Trà Leng, Trà Tập và Trà Dơn...", ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My chia sẻ.

Tuy vậy, cũng theo ông Mẫn, hơn 5 năm trước, có thời điểm người dân trồng quế lại lao đao do không bán được sản phẩm từ cây quế, có bán thì giá quá thấp không bù vào chi phí trồng, chăm sóc nên nhiều người dân đã chuyển đổi cây trồng sang một số loại cây trồng khác. Thời gian gần đây, việc thu mua sản phẩm quế ngày càng được cải thiện, hầu hết các sản phẩm quế thu hoạch đều được các cơ sở chế biến, tư thương nhỏ thu mua với giá cả hợp lý, nhờ vậy mà người trồng quế có thể sống được từ cây quế. Hạn chế lớn nhất hiện nay đó là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn H. Nam Trà My chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, người nông dân chỉ biết bán các sản phẩm thô, với giá cả bấp bênh do những người kinh doanh nhỏ lẻ quyết định.

Những cây quế cổ thụ hàng chục năm tuổi, có giá trị kinh tế lớn là niềm tự hào của người dân Trà My.

Những cây quế cổ thụ hàng chục năm tuổi, có giá trị kinh tế lớn là niềm tự hào của người dân Trà My.

"Bắt tay" giữ thương hiệu

Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn H. Nam Trà My có 10/10 xã trồng quế, tổng diện tích 2.864ha, sản lượng năm 2017 đạt khoảng 350 tấn, tăng 200 tấn so với năm 2011; sản lượng, diện tích quế không ngừng tăng lên qua các năm. Thực tế, với định hướng phát triển cây quế, nhiều năm qua, thông qua các chương trình như: 30a, 135II, quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, Nam Trà My hỗ trợ vật tư, hơn 20 triệu cây giống cho đồng bào thụ hưởng. Riêng đối với H. Bắc Trà My đã tự bỏ tiền ngân sách mua giống quế cấp miễn phí cho người dân trồng. Theo ông Đinh Mướk, Chủ tịch Hiệp hội quế Trà My, nhiều chính sách hướng đến việc thúc đẩy cây quế nhưng hiệu quả chưa thật sự cao, vẫn còn nhiều bất cập nên việc phát triển cây quế chưa có sự bùng nổ, chưa thật sự có một "cú hích" lớn để quế Trà My có cơ hội "càn quét" thị trường trong và ngoài nước hơn nữa. "Một số cơ sở thu mua, chế biến quế đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thật sự đúng tầm với tiềm năng của loại cây này. Hơn thế, người dân chưa thật sự ý thức, có đủ quyết tâm để đưa cây quế phát triển mạnh mẽ", ông Mướk nhìn nhận.

Lợi thế cạnh tranh của quế Trà My là được đăng ký chỉ dẫn địa lý, được đánh giá có chất lượng cao hơn hẳn so với các loại cây quế trồng ở các vùng khác nhờ yếu tố hàm lượng tinh dầu cao, có mùi vị đặc trưng, vỏ dày và thơm. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền, định hướng người trồng quế về những kỹ thuật chăm sóc, phân loại quế giai đoạn đầu nên tỉa lá bán ký, khi tận dụng giá trị của lá quế, cuối cùng mới khai thác vỏ. Nhiều cánh rừng quế cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm với giá trị kinh tế cao cũng xây nên thương hiệu vững chắc cho quế Trà My. Về định hướng phát triển bền vững trong tương lai, Hiệp hội quế Trà My nhấn mạnh đến vấn đề phối hợp chặt chẽ, mối liên kết giữa các cơ quan, tổ chức cũng như doanh nghiệp thu mua, chế biến quế.

Không những thế, cái "bắt tay" giữa 6 "nhà" gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà trồng quế (người dân) cũng là cơ sở quan trọng để hướng đến phát triển cây quế. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân vay vốn, có cơ hội, điều kiện để người dân tiếp cận với việc phát triển cây quế quy mô lớn cũng phải được quan tâm đúng mức. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nhằm hướng đến việc thu mua, vận chuyển sản phẩm quế dễ dàng cũng là bài toán đáng lưu tâm. "Việc phát triển cây quế là nhiệm vụ quan trọng, làm thế nào để vừa bảo tồn được nguồn gen quý của quế Trà My, không bị pha tạp hay lai giống từ các địa phương khác, vừa phát triển mạnh diện tích quế là điều quan trọng nhất. Ngoài ra, để đảm bảo cho cây quế Trà My phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần lưu ý phát triển cây quế đúng quy hoạch, không nên vội vàng trồng ào ạt dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu cây quế đang từng bước được khôi phục lại", ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh.

Phi Nông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/114_189018_giu-thuong-hieu-cao-son-ngoc-que-.aspx