Ánh sáng soi đường cho vùng đồng bào thiểu số Hà Giang phát triển: Kỳ 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc

Trong những năm qua, nhờ làm tốt các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia, với những bước đi “vững chắc, cẩn trọng”, “dám nghĩ, dám làm, dám nói thẳng, nói thật”, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân.

Có thể nói, nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với thực hiện dân chủ, công bằng, văn minh, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước; ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.

Theo đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Đến thời điểm này, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách dân tộc, các chương trình MTQG bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như kịch nói, văn nghệ quần chúng, chiếu phim lưu động, tuyên truyền miệng, qua các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh; các hội nghị, tập huấn; qua băng zôn, pano, áp phic; các cuộc thi, các cuộc phát động phong trào thi đua… đã nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham giam thực hiện các chương trình MTQG.

Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả cho thấy: Toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 03 chương trình MTQG được trên 6.102 lượt với 397.102 người tham gia. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang được giao 6.282.721 triệu đồng để thực hiện 03 chương trình MTQG. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 6.017.505 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương đối ứng là 265.216 triệu đồng. Sau khi được Trung ương giao dự toán, kế hoạch vốn thực hiện các chương trình hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành tham mưu lập dự toán và phương án phân bổ kế hoạch vốn, trình HĐND tỉnh quyết định về tỷ lệ vốn NSĐP đối ứng, giao dự toán và phân bổ vốn thực hiện 03 chương trình MTQG theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành các Quyết định về phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp thực hiện cho các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Đến ngày 30/9/2024, đã giải ngân được 87,3% kế hoạch vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; giải ngân được 76% kế hoạch vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; 60,2% kế hoạch vốn chương trình MTTQ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ giúp đỡ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ giúp đỡ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo.

Các nguồn vốn được tỉnh Hà Giang tập trung triển khai các nội dung của 10 dự án và các tiểu dự án thuộc chương trình như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các dân tộc thiểu số gắn với phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao dân trí, chăm lo xây dựng nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh, chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự… Đầu tư xây dựng 1.083 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 127 xã đặc biệt khó khăn, 119 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực I, II như đầu tư xây dựng, cải tạo 380 công trình giao thông nông thôn; 195 công trình cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 143 nhà sinh hoạt cộng đồng; 176 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; 114 công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; 32 công trình y tế; 2 công trình chợ; 19 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất. Hỗ trợ đất ở cho 19 hộ dân; hỗ trợ nhà ở cho 2.027 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 962 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 23.382 hộ; xây dựng 44 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; triển khai thực hiện 06/11 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Hỗ trợ 49 chuỗi phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ 995 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Xây dựng và triển khai các mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số cho 11.160 người; mở 31 lớp nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện chương trình; thực hiện các chính sách cho 2.063 người có uy tín trên địa bàn tỉnh…

Các công trình điện, đường, trường trạm, thực thi công vụ được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của đồng bào.

Các công trình điện, đường, trường trạm, thực thi công vụ được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư, nâng cấp để phục vụ nhu cầu của đồng bào.

Đối với nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh đã vận động Nhân dân hiến được 990.996m2 đất; gần 800.000 ngày công lao động. Đến nay, có thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh đã có 51 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng số tiêu chí đã hoàn thành là 2.234 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 12,8 tiêu chí/xã. Có 126 thôn được công nhận NTM.

Theo đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2022 - 2024 là 2.700.585 triệu đồng, tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh đã giải ngân được trên 2.040 tỷ, đạt 75,5% kế hoạch; đã thực hiện đầu tư phân bổ cho 02 đơn vị cấp tỉnh, 07 huyện nghèo để thực hiện đầu tư 77 công trình liên xã thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo; cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị 02 trường đào tạo nghề; duy tu bảo dưỡng 62 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo như: Triển khai 578 dự án mô hình giảm nghèo cho cộng đồng đề xuất, tập trung triển khai các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, chăn nuôi lợn, dê… với 15.122 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng; 14 dự án liên kết chuỗi giá trị với 412 hộ nghèo hưởng lợi. Hỗ trợ đào tạo nghề 3 tháng cho 14.374 học viên là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tổ chức 17 hội chợ việc làm tại 10 huyện với 20.477 người tham gia, có 5.143 người đăng ký đi làm việc. Tổ chức được 197 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm - xuất khẩu lao động, đã giới thiệu thành công cho 2.233 lao động. Hỗ trợ 32 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động…

Các huyện tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các huyện tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ 9.623 hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở, trong đó xây mới là 6.820 hộ, sửa chữa 2.803 hộ. Kết quả giảm nghèo của tỉnh năm 2021 giảm được 6.628 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,29% xuống còn 18,54% (giảm 3,75%); năm 2022 bắt đầu thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025. Trong 02 năm 2022 - 2023, toàn tỉnh giảm 12,51% hộ nghèo đa chiều (từ 55,12% cuối năm 2021 xuống còn 42,61% cuối năm 2023); ước năm 2024 tiếp tục giảm 4,4%, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 38,21%.

Phát huy vai trò của MTTQ và các hội đoàn thể

Để đạt được kết quả trên cũng là nhờ một phần công sức, đóng góp của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng tham gia tích cực nội dung các chương trình. Theo đồng chí Triệu Thị Tình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức được 1.182 hoạt động nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền phát triển kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia tích cực của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng, giám sát và phản biện. Tổ chức các buổi tập huấn, truyền thông, các cuộc thi, cuộc họp chi bộ, họp thôn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thơ, ca, kịch, sân khấu hóa nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Thông qua công tác truyền thông đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết; bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Văn Nghị, Duy Tuấn, Kim Tiến và Phi Anh

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Văn Nghị, Duy Tuấn, Kim Tiến và Phi Anh

Là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng từ các chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chị Giàng Thị Và ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở và được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đóng góp, giúp đỡ ngày công, vật liệu. Chị Và vui mừng chia sẻ: Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi có căn nhà mới khang trang để ở, ổn định cuộc sống, vơi bớt khó khăn. Gia đình tôi sẽ cố gắng trồng cỏ, phát triển chăn nuôi, thoát nghèo.

Giống như gia đình chị Và, gia đình ông Xin Seo Giàng, thôn Nà Hu, xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì cũng được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở. Gia đình ông đã vay mượn thêm anh em bạn bè và được cấp ủy, chính quyền địa phương đóng góp ngày công, vật liệu để ông sớm hoàn thành ngôi nhà mới với diện tích trên 60m2 trước Tết Nguyên đán 2025.

Vui mừng trước những thay đổi của địa phương, chị Phù Thị Thiên, người dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh, từ nguồn vốn các chương trình MTQG tôi thấy đời sống của người Pà Thẻn chúng tôi được nâng lên; giao thông được đầu tư tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân đi lại; nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất, du lịch, dịch vụ góp phần tăng thêm thu nhập; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đem lại kinh tế cao được bà con trong xã học tập, làm theo.

Có thể thấy, 03 chương trình MTQG và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã mang đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang một diện mạo, cuộc sống mới no ấm, hạnh phúc, tươi đẹp hơn.

-----------------

Kỳ cuối: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua

Lan Phương - Hoàng Huyền (VP HĐND tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202411/anh-sang-soi-duong-cho-vung-dong-bao-thieu-so-ha-giang-phat-trien-ky-3-buoc-chuyen-minh-manh-me-noi-dia-dau-cuc-bac-to-quoc-f6f77fc/