Giữ thương hiệu nước mắm Phú Quốc
Sau 10 năm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nước mắm Phú Quốc đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để giữ gìn thương hiệu và phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống này, cần vượt qua nhiều thách thức về bảo hộ thương hiệu, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh quốc tế.
Phát triển, nhưng còn khó khăn
Với lịch sử hơn 200 năm, nước mắm Phú Quốc không chỉ là sản phẩm đặc trưng, mà còn là niềm tự hào của người dân đảo ngọc và cả nước. Nước mắm Phú Quốc được chế biến từ nguyên liệu cá cơm đánh bắt ở vùng biển An Giang, Cà Mau, sản xuất với quy trình truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ năm 2001, nước mắm Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước. Đặc biệt, năm 2012, Liên minh Châu Âu (EU) đã cấp văn bằng bảo hộ xuất xứ địa lý cho nước mắm Phú Quốc, đánh dấu lần đầu tiên một sản phẩm Việt Nam được bảo hộ tại thị trường này. Năm 2014, UBND tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) ban hành Quyết định 1401/QĐ-UBND quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc, giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý Nhà nước.
Sau 10 năm triển khai, chỉ dẫn địa lý Phú Quốc đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nước mắm. Năm 2014, chỉ có 9 doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm chỉ dẫn địa lý, với sản lượng hơn 318.000 lít. Đến năm 2024, con số này tăng lên 21 doanh nghiệp, với sản lượng gần 760.000 lít nước mắm, xuất khẩu đến nhiều quốc gia, như: Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nước mắm Phú Quốc xuất khẩu đến nhiều quốc gia, như: Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Đặng Thành Tài, việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước cũng như Châu Âu đã giúp nước mắm Phú Quốc vươn xa. Nghề làm nước mắm tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như tình trạng giả mạo thương hiệu, chi phí duy trì chỉ dẫn địa lý cao, sự cạnh tranh về giá của các loại nước mắm công nghiệp, cùng yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm từ các thị trường khó tính.
Nâng chất để phát triển
Tại hội thảo tổng kết 10 năm sử dụng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” do Hội Nước mắm Phú Quốc phối hợp các sở, ngành tổ chức cuối tháng 6/2025, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp giữ gìn thương hiệu và phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc. Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê nhấn mạnh: “Cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu cá cơm; tăng cường kiểm tra chất lượng, kiểm soát hàm lượng histamin; đẩy mạnh công nghệ truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ pháp lý để bảo vệ chỉ dẫn địa lý khỏi các hành vi xâm phạm”.
Một số chuyên gia cũng đề xuất Phú Quốc cần phát triển du lịch gắn với làng nghề nước mắm. Địa phương cần thành lập bảo tàng nước mắm Phú Quốc, xây dựng khu sản xuất tập trung nhằm gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Người dân tham quan khu trưng bày và mua sắm tại Festival nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm, lần thứ I/2025
Để bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp làm giả, nhái nước mắm Phú Quốc; hỗ trợ pháp lý để Hội Nước mắm Phú Quốc có thể chủ động hơn trong việc khởi kiện, đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, cần nâng cao nhận diện chỉ dẫn địa lý, tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm nước mắm truyền thống chính gốc; phát triển thương hiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc Nguyễn Lê Quốc Toàn khẳng định: “Địa phương xác định phát triển nước mắm truyền thống là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế - xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ và quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc ra toàn cầu”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh An Giang Nguyễn Xuân Niệm cho rằng, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc phải tuân thủ tốt các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực; không sử dụng bất kỳ chất xúc tác nào để rút ngắn thời gian ủ chượp. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đóng tàu khai thác cá cơm; quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong việc quảng bá và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nước mắm truyền thống Phú Quốc hoàn toàn có tiềm năng trở thành biểu tượng quốc gia, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giu-thuong-hieu-nuoc-mam-phu-quoc-a423675.html