Bất động sản sau sáp nhập tỉnh thành: Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên vươn mình
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát triển mới, với những cải cách thể chế đột phá và khát vọng vươn tầm quốc gia phát triển vào năm 2045. Trong bức tranh đầy hứa hẹn đó, thị trường bất động sản đang được đặt vào một vị thế đặc biệt, với những vận hội chưa từng có nhưng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi một 'tư duy mới' từ tất cả các chủ thể.

Ông Nguyễn Cao Cương - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản trị - TheLEADER phát biểu tại diễn đàn
Những nghịch lý cần hóa giải
Phát biểu khai mạc Diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" chiều ngày 3/7, ông Nguyễn Cao Cương - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản trị - TheLEADER chia sẻ, những cải cách thể chế, chính sách chưa từng có tiền lệ, mang đến luồng gió mới cho nền kinh tế. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên được định danh rõ ràng là động lực quan trọng nhất, mở ra niềm cảm hứng mới cho sự phát triển mạnh mẽ.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo, Chính phủ đang dành sự quan tâm lớn cho bất động sản. Hàng ngàn dự án đang được tập trung tháo gỡ vướng mắc, cùng với việc ưu tiên nguồn vốn và đẩy nhanh giải ngân cho các dự án hạ tầng lớn, tạo thuận lợi cho kết nối và phát triển. Đáng chú ý, công cuộc cải cách tổ chức lại không gian phát triển, sáp nhập tỉnh thành, đang tạo ra những thời cơ mới chưa từng có cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, dù Việt Nam vẫn là một "ngôi sao tăng trưởng" trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng vẫn còn tụt hậu xa hơn ở nhiều lĩnh vực. Điều này đòi hỏi một cách nhìn nghiêm khắc hơn về những điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế.
Một trong những nghịch lý lớn nhất được PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ ra là Việt Nam ký nhiều FTA nhưng doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa được bồi dưỡng để tận dụng cơ hội, trong khi FDI đổ bộ mạnh mẽ. Tăng trưởng nhưng tụt hậu, "đầu tàu" chạy chậm hơn "toa tàu", và dù doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chống chịu phi thường, số lượng tỷ phú còn ít ỏi.
Tốc độ thành lập doanh nghiệp mới gần như ngang bằng với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản khi số lượng doanh nghiệp và lao động giảm đi, thu nhập giảm sút.
Thị trường bất động sản Việt Nam trong 30 năm qua đã trải qua các chu kỳ sốt đất, đóng băng rồi hồi phục sau mỗi 5-7 năm. Dù oai hùng và mang lại sự giàu có cực đại, nhưng sự phát triển này chưa phát huy hết tiềm năng. Với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai, thị trường bất động sản sẽ đứng trước cơ hội bùng nổ chưa từng có, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro sụp đổ nếu không được quản lý kịp thời.
Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên vươn mình
Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch HĐQT Cen Group cho hay, thủ tục pháp lý sẽ trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn, và thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ "bùng nổ" về nguồn cung, thay vì giá cả, mang lại cơ hội mua nhà cho người trẻ. Các dự án siêu đô thị với quy mô hàng ngàn hecta đang xuất hiện, báo hiệu một "cuộc chơi mới" hoàn toàn khác biệt.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cơ hội đến từ sự thay đổi tư duy của toàn bộ hệ thống chính trị, xác định rõ vai trò của nhà nước, tư nhân và công nghệ. Hành động nhanh chóng, quyết liệt của bộ máy nhà nước trong việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng là những tín hiệu tích cực. Việc sáp nhập địa phương cũng giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ quy trình thủ tục tinh gọn.
Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Văn Đính, thách thức vẫn còn nhiều. Cụ thể, thể chế chưa thật sự hoàn chỉnh, đặc biệt là vấn đề giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương đặt ra mức giá "trên trời" dựa trên các giao dịch có độ "bong bóng" cao, làm giảm sức hút đầu tư và khó tiếp cận cho người có nhu cầu thực. Nội lực doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ sụp đổ khi sự cố xảy ra. Chất lượng thị trường vốn chưa cao, thiếu các kênh dẫn vốn bền vững, dễ bị thao túng, đẩy giá ảo.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự sáp nhập tỉnh, bỏ huyện sẽ mở ra không gian cơ hội rộng lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải tham gia sâu hơn vào quá trình quy hoạch phát triển. Thị trường bất động sản sẽ bùng nổ, nhưng là bùng nổ về nguồn cung, mang lại cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, mở ra không gian rộng lớn cho đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp lớn sẽ kiến tạo những khu đô thị hiện đại, trong khi doanh nghiệp nhỏ cần tìm kiếm cơ hội hợp tác, chia sẻ "miếng bánh" phù hợp. Về vốn, các doanh nghiệp cần chú trọng huy động vốn từ cộng đồng và mạnh dạn niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp.