Giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Khánh Hòa cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển đột phá
Giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước, do đó, việc ban hành một chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa là thực sự cần thiết. Đây là ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 24/5.
Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Bởi lẽ đó, phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Cùng với đó, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị là căn cứ chính trị quan trọng, khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Rất hoan nghênh đảng bộ, chính quyền Khánh Hòa đã chủ động đề xuất và cho đến giờ được Quốc hội đưa ra bàn như là chủ trương có sự đồng thuận cao, thông qua rất nhiều cấp đến đợt này mới đưa ra bàn. Tại sao một số địa phương có đặc thù như này vì đây là những trung tâm kinh tế, mình tạo ra cơ chế đặc thù là tạo ra động lực cho một vùng kinh tế. Khánh Hòa là cả một vùng duyên hải miền Trung chứ ko chỉ Khánh Hòa. Ủng hộ Nghị quyết này.”
Sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế thì Khánh Hòa là địa phương tiếp theo có cơ chế đặc thù để trở thành đô thị hạt nhân và đô thị trực thuộc Trung ương.
Ông TRẦN VĂN LÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “May mắn cho Khánh Hòa đề xuất cơ chế thí điểm sau Hà Nội, TP. Hồ Chí nên đã đúc rút đc những cơ chế thực sự mới, thực sự đặc thù.”
Ông TRẦN VĂN KHẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Một trong những yêu cầu quan trọng, đó là kinh tế của tỉnh Khánh Hòa không thể tách rời giữa kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia, 2 cái này phải song song.”
Để phát triển kinh tế biển thì việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là chính sách được các đại biểu tán thành. Là người từng gắn bó với Khánh Hòa trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, lý giải cơ sở thành lập quỹ.
Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, lúc đầu không có cái này nhưng sau đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Nguyễn Hải Ninh đi khảo sát và một số bộ, ngành đề nghị, Thừa Thiên Huế thì cũng được cho quỹ phát triển cố đô, huy động nguồn lực xã hội là chính, ngân sách cũng ít thôi, để quản lý và chủ yếu dùng cho hậu cần nghề cá cho người dân khai thác xa bờ.”
Như vậy, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Thực hiện : Anh Đức Anh Tuấn Diệu Linh Ngô Trang Bích Hạnh Kim Ngọc