Giữ vững truyền thống 'quân không thiếu một người'
Phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc, trong những năm qua, lớp lớp thế hệ thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhiều gia đình có 2-3 thế hệ và các anh em ruột đều tình nguyện tòng quân, với mong muốn cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững truyền thống 'quân không thiếu một người' của quê hương anh hùng.
Xung phong ra trận
Trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàn (sinh năm 1950) ở tổ dân phố Phương Đậu, phường Song Mai (thành phố Bắc Giang) lại nhớ về một thời trai trẻ hăng hái ra mặt trận. Ông Hoàn cho biết: “Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, khí thế tòng quân đánh giặc trong thế hệ trẻ lên rất cao. Năm 1969, vừa tròn 19 tuổi, tôi lên đường vào Nam chiến đấu. Lúc ấy, chúng tôi không sợ hy sinh, chỉ ước ao đủ tiêu chuẩn được đi bộ đội.

Thanh niên Bắc Giang hăng hái lên đường nhập ngũ. Ảnh: Hoài Thu.
Ngày lên đường nhập ngũ vui và xúc động lắm, các cụ già đến nhà ân cần động viên; các bạn gái cùng trang lứa tặng ảnh, khăn mặt rồi chở bằng xe đạp xuống địa điểm tập kết ở sân vận động Bắc Giang”. Sau khi nhập ngũ, ông Hoàn tham gia nhiều trận đánh ác liệt, từ khu vực tỉnh Tây Ninh đến Long An, Bến Tre… Năm 1976, một năm sau ngày miền Nam giải phóng, ông xuất ngũ trở về địa phương với quân hàm Thiếu úy.
Tiếp nối người anh đi trước, từ năm 1978 đến năm 1987, 5 người em trai của ông Hoàn lần lượt vào bộ đội, đóng quân ở chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc. “Trong số 6 anh em chúng tôi chỉ có 1 người bị thương, tất cả đều may mắn trở về. Ngày nay, tôi vẫn giáo dục con cháu phát huy truyền thống gia đình, khi đến tuổi trưởng thành thì hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc”, ông Hoàn nói.
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Bắc Giang luôn được coi là “phên giậu”, là một trong “tứ trấn” trọng yếu của Thăng Long - Hà Nội. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Bắc Giang thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chống ngoại bang xâm lược. Do đó, nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm. Truyền thống ấy tiếp tục được phát huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyển quân. Nhiều nơi hội mẹ chiến sĩ, hội phụ nữ, hợp tác xã đã họp bàn giúp đỡ thiết thực cho các gia đình khó khăn có con em đi bộ đội; lập sổ vàng ghi tên tòng quân chống Mỹ cứu nước; trao cờ truyền thống người Anh hùng áo vải Đề Thám… Từ năm 1965 - 1975, toàn tỉnh đã có hơn 70 nghìn thanh niên nhập ngũ, đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm cấp trên giao.
Phát huy truyền thống
Chúng tôi đến thăm gia đình tân binh Trần Đức Phúc (sinh năm 2006) ở thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) đúng lúc ông Trần Văn Hưởng - bố của tân binh Phúc vừa từ đơn vị con trai đóng quân trở về. Ông Hưởng phấn khởi nói: “Tôi lên thăm thấy con khoe, sau khi được huấn luyện, bắn đạn thật đạt loại giỏi. Con tăng cân, trông rắn rỏi hơn”. Vợ chồng ông Hưởng sinh được 2 người con trai thì hiện đều ở trong quân ngũ. Năm 2024, con cả Trần Văn Lộc (sinh năm 2002) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang đã viết đơn xung phong đi bộ đội; đến năm 2025, con trai thứ hai Trần Đức Phúc đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang cũng xin bảo lưu kết quả học tập để nhập ngũ.

Ông Trần Văn Hưởng (thứ hai từ phải sang), thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) có hai con trai trong quân ngũ.
Ông Hưởng cho biết: “Cả hai con tôi đều mong muốn vào môi trường quân đội để được rèn luyện, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, các con sẽ có nhiều kinh nghiệm; bản lĩnh vững vàng, thuận lợi hơn trong cuộc sống sau này”. Được biết, bố ông Hưởng là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; bản thân ông cũng từng đi bộ đội nên luôn động viên các con phát huy truyền thống gia đình, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Theo ông Trần Hữu Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Hương, nếu xét về quy định thì công dân Trần Đức Phúc trong diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự vì đang đi học và có anh trai đang trong quân ngũ song Phúc vẫn xung phong đi bộ đội. Thực tế, trên địa bàn xã Xuân Hương mấy năm qua cũng có nhiều thanh niên trong trường hợp như vậy. Năm nào công tác tuyển quân của xã cũng hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.
Những năm qua, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai đồng bộ, đúng quy định. Phong trào thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ ngày càng lan tỏa rộng khắp. Bởi vậy, các chỉ tiêu giao tuyển quân hằng năm của tỉnh đều hoàn thành kế hoạch, xứng đáng với truyền thống “quân không thiếu một người”, trở thành điểm sáng của Quân khu 1 trong thực hiện công tác tuyển quân.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, có được kết quả trên trước hết là do tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ tuyển quân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chú trọng gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với nhiệm vụ tuyển quân hằng năm. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên làm tốt công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự, quản lý, nắm chắc số lượng công dân nam đủ 17 tuổi và nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.
Thực hiện bình cử, rà soát bảo đảm chặt chẽ, công bằng ngay từ thôn, tổ dân phố. Chỉ đạo cơ quan quân sự cấp huyện, xã làm tốt công tác tham mưu với UBND, hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể. Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ cơ sở và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.