Giữ vững vị thế KKT Đồng Đăng - Lạng Sơn là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước
Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi Khu kinh tế bao gồm: các phường Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Vĩnh Trại, Đông Kinh, Chi Lăng và các xã Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha thuộc thành phố Lạng Sơn; thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và các xã Bảo Lâm, Hồng Phong, Phú Xá, Thụy Hùng, Thạch Đạn, Bình Trung, Hợp Thành, Yên Trạch, Tân Liên thuộc huyện Cao Lộc; các xã Tân Thanh, Tân Mỹ thuộc huyện Văn Lãng; xã Đồng Giáp thuộc huyện Văn Quan; và một phần xã Vân An thuộc huyện Chi Lăng.
Động lực thúc đẩy phát triển đô thị Lạng Sơn trở thành thành phố biên giới xanh gắn với cửa khẩu thông minh có hệ thống hạ tầng hiện đại
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á; là động lực thúc đẩy phát triển đô thị Lạng Sơn trở thành thành phố biên giới xanh gắn với cửa khẩu thông minh có hệ thống hạ tầng hiện đại.
Phát triển Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng của Khu kinh tế, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, khắc phục các vấn đề tồn tại về hợp tác quản lý biên giới, phát triển biên mậu Việt - Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng nhau phát triển...
Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn có hạ tầng kỹ thuật hiện đại
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là khu kinh tế có hạ tầng kỹ thuật hiện đại và hạ tầng xã hội, đồng bộ gắn với phát triển thành phố Lạng Sơn mở rộng; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
Tính chất Khu kinh tế sẽ được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch.
Định hướng phát triển không gian
Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở địa hình cảnh quan, khả năng kết nối hạ tầng kết hợp các yếu tố đặc thù, nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển không gian cho Khu kinh tế trên nguyên tắc hài hòa về không gian, hợp lý linh hoạt trong liên kết chia sẻ chức năng và có thể kiểm soát dễ dàng, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển không gian chung của thành phố Lạng Sơn mở rộng và các khu vực lân cận.
Xác định hệ thống các khu chức năng trong khu kinh tế, điều chỉnh một số khu chức năng để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu đầu tư và thực tiễn phát triển của Khu kinh tế: các khu phát triển ổn định; các khu cần chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp như: khu vực phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc trong Khu kinh tế…; các khu chuyển đổi chức năng, các khu quy hoạch xây dựng mới, các khu cấm xây dựng,…
Việc phân vùng chức năng cần thực hiện trên cơ sở có tính kế thừa, tính hợp lý của các quy hoạch trước đó, phải đảm bảo phù hợp với tính chất, chức năng Khu kinh tế, nhấn mạnh công tác bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đảm bảo an ninh biên giới.
Xác định các định hướng, nguyên tắc phát triển đối với các khu chức năng chính trong khu kinh tế (khu phi thuế quan, công nghiệp, hệ thống cửa khẩu gắn với hạ tầng đường bộ, đường sắt và hệ thống logistics, dịch vụ, du lịch…); các khu vực phát triển dân cư đô thị, nông thôn và tổ chức hệ thống trung tâm...