Giữ 'vùng xanh' cho sản xuất và đời sống

Đời sống của phần lớn người dân tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc nước ta vốn còn nhiều khó khăn, nên rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề nếu như dịch Covid-19 lan rộng trong cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng Điện Biên tuyên truyền các biện pháp phòng dịch đến nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: LÊ LAN

Bộ đội Biên phòng Điện Biên tuyên truyền các biện pháp phòng dịch đến nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: LÊ LAN

Vì vậy, cùng với việc tăng cường nguồn lực đầu tư, cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đều tập trung siết chặt bảo vệ, mở rộng “vùng xanh”, bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc.

Bảo vệ thành quả chống dịch

Bằng Thành (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) là xã đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, xa tỉnh lỵ nhất, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Trung tá Nông Đình Võ, Trưởng Công an xã cho biết, thời gian qua, số người dân trong xã đến các khu công nghiệp trong nước hoặc vượt biên trái phép đi lao động tự do bên Trung Quốc trở về khá cao. Xã đã tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bằng tiếng các dân tộc; lập chốt kiểm dịch tại các thôn giáp ranh với tỉnh Cao Bằng; thống kê, theo dõi sức khỏe đối với 16 trường hợp xuất cảnh trái phép và 224 người đi làm ăn xa về, cho nên đến nay chưa có ca bệnh nào. Tại tỉnh Sơn La, Phù Yên là huyện vùng núi, xa trung tâm thành phố, song ngày 17/8 đã phát hiện thêm hai ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, phải giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 16. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Tiến Quân cho biết, đối với các địa bàn không có ca F0, huyện triển khai thiết lập “vùng xanh”, giám sát người dân tuân thủ đúng các quy định của Chỉ thị 16. Huyện đã tổ chức tiêm vắc-xin cho hơn 3.000 công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp tại địa bàn, giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Để phòng dịch hiệu quả, các tỉnh tập trung kiểm soát y tế chặt chẽ. Tỉnh Bắc Kạn đã lập sáu chốt kiểm dịch tại các tuyến giao thông cửa ngõ. Sơn La lập năm trạm kiểm soát liên ngành tại khu vực cửa khẩu, biên giới và giáp với các tỉnh. Cao Bằng thành lập 130 chốt cố định và nhiều chốt phụ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên toàn tuyến biên giới và sáu chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tuyên Quang duy trì 57 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên năm tuyến quốc lộ và các tuyến đường huyện, liên huyện, liên xã kết nối với các tỉnh lân cận. Điện Biên duy trì 76 tổ, chốt cố định, lưu động kiểm soát dịch tại tất cả các xã trong khu vực biên giới... Dù các chốt kiểm dịch còn đơn sơ, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, thành viên các tổ, chốt kiểm soát dịch vẫn không quản ngại gian khó, căng mình thực hiện nhiệm vụ.

Tại nhiều tỉnh, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng được thành lập với thành viên là cán bộ tổ dân phố, thôn, bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phòng, chống dịch đến tận thôn, bản bằng tiếng dân tộc, hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết. Bắc Kạn thành lập 1.634 tổ với hơn 5.500 thành viên, Sơn La thành lập 3.586 tổ. Đợt dịch đầu tháng 5/2021 tại nhiều huyện, thị xã của Điện Biên có 58 ca mắc, hàng nghìn F1, F2. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, Điện Biên đã nhanh chóng khống chế được dịch. Tại Tuyên Quang, từ ngày 27/4 đến 13/8, tỉnh đã rà soát được hơn 60 nghìn lượt người đến, về địa phương. Tại các khu dân cư, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả, thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng, lưu trú tại các cơ sở lưu trú và khu dân cư, nắm người, nắm hộ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin là giải pháp được các tỉnh quyết liệt triển khai. Tính đến ngày 17/8, Bắc Kạn đã tiêm 21.083 liều; Sơn La tiêm hơn 85 nghìn liều; Cao Bằng tiêm hơn 80 nghìn liều, Điện Biên đã tiêm hơn 94 nghìn liều… Với những cách làm như vậy, đến ngày 18/8, Cao Bằng là tỉnh duy nhất trên cả nước chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; các tỉnh còn lại cơ bản là “vùng xanh”.

Duy trì sản xuất ổn định

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Trong bối cảnh đó, các địa phương đều nỗ lực tận dụng thời gian “vàng” khi giữ được “vùng xanh” để ổn định sản xuất. Các tỉnh đã rà soát diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; danh mục hàng hóa nông sản để đề nghị các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh Sơn La đã tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử; triển khai sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La” trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đến nay, Sơn La đã tiêu thụ được 235 nghìn tấn trái cây các loại, 76.345 tấn thóc, 607.485 tấn mía cây, 148 tấn đậu tương, hơn 100 nghìn tấn rau và 21.199 tấn chè búp tươi.

Chế biến nông sản tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki trong Khu công nghiệp Thanh Bình (Bắc Kạn). Ảnh: TUẤN SƠN

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, nhờ giữ vững “vùng xanh”, cho nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị đình trệ. Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất hơn 103 nghìn tấn phôi thép, tổng doanh thu đạt 1.723 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 65 tỷ đồng, ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19 gần 200 triệu đồng. Hoạt động thông quan hàng hóa không bị gián đoạn. Đến ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt hơn 311 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đông lạnh, nông sản chiếm 225 triệu USD. Trong thời gian ngắn, Bắc Kạn đã thực hiện hướng dẫn, đăng ký “luồng xanh” vận tải kết nối với “luồng xanh” quốc gia, bảo đảm lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Bắc Kạn) Hoàng Thị Lập cho biết, trong thời gian diễn biến dịch phức tạp, công ty được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để duy trì sản xuất, xuất hàng theo luồng xanh. Từ đầu năm tới nay, công ty đã chế biến, xuất khẩu hơn 240 tấn nông sản đặc sản sang Nhật Bản và đang tiếp tục mở rộng vùng trồng nguyên liệu ở các tỉnh miền núi phía bắc.

Chủ động nắm chắc diễn biến dịch, đánh giá cụ thể, cẩn trọng, các tỉnh kịp thời điều chỉnh kịch bản tăng trưởng năm 2021 để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, ưu tiên phát triển sản xuất các vùng nông, lâm nghiệp quy mô lớn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là ổn định hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong vùng xanh; thúc đẩy thu hút đầu tư; tăng cường quảng bá, kết nối thị trường giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhận định, quý IV/2021 là thời gian “vàng” tăng trưởng, bởi sau thời gian chuẩn bị, các dự án đầu tư cơ bản hoàn thiện thủ tục để bước vào khởi công xây dựng. Tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn quý IV lên khoảng 12%.

Thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh miền núi phía bắc cho thấy, dân cư sinh sống rải rác là điều kiện thuận lợi để cắt đứt chuỗi lây lan dịch bệnh khi áp dụng cách ly, phong tỏa. Nhưng địa hình rộng khiến lực lượng chức năng phải phân tán trong khi nguồn lực hạn chế, cơ sở vật chất y tế thiếu thốn là điều không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. Dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm của các tỉnh đều thấp hơn cùng kỳ năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch, tiến độ triển khai một số dự án thủy điện chậm. Phó Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Bản Giốc (Cao Bằng) Nguyễn Thái Hưng cho biết, doanh thu công ty sụt giảm hơn 70% so với năm 2020. Công ty đã phải cắt giảm hơn 30% nhân sự, triệt để tiết kiệm điện, nước. Tại khu du lịch trọng điểm của các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng…, nhiều homestay, khách sạn phải tạm đóng cửa do lượng khách du lịch sụt giảm mạnh. Do vậy, bảo vệ “vùng xanh”, không để “vùng đỏ” loang ra, sản xuất an toàn là nhiệm vụ lâu dài với các tỉnh miền núi. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, cần xác định thực hiện hết sức linh hoạt giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Trước mắt, sẽ thiết lập hệ thống thông tin hàng hóa, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản có thế mạnh. Kiểm soát dịch chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án về giấy, bột giấy, chế biến gỗ rừng trồng; đưa vào sử dụng các nhà máy thủy điện mới, hình thành các cụm công nghiệp mới, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Quyết tâm giữ vững thành quả là “vùng xanh” trong phòng, chống dịch của cả nước ■

CHUNG SƠN TUẤN và TUẤN LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/giu-vung-xanh-cho-san-xuat-va-doi-song-660685/