Giữa 'búa rìu' phương Tây, Nga nói gì về quyết định lịch sử ở Đông Ukraine?
Ngày 22/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không rút ra bài học từ việc Nga công nhận độc lập đối với Nam Ossetia và Abkhazia.
Phát biểu trước báo giới, ông Medvedev nói: “Năm 2008, tôi phải đưa ra một quyết định khó khăn là công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Bằng cách sử dụng vũ lực quân sự và ý chí chính trị, Nga đã giúp cứu sống hàng trăm nghìn người".
Theo quan chức Nga, sự kiện này đã "dạy một bài học cho NATO, Mỹ và tất cả những ai có ý định gây hấn với người dân Nga. Tuy nhiên, NATO đã không hiểu điều đó và tiếp tục tiếp cận biên giới của Nga một cách hoài nghi và thiếu thận trọng, mở rộng việc kết nạp các thành viên tiềm năng vào liên minh”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cáo buộc phương Tây giúp Kiev phá hoại các thỏa thuận Minsk, "hoàn toàn buông lỏng những người theo chủ nghĩa dân tộc và chính phủ yếu kém do Tổng thống Volodymyr Zelensky đứng đầu".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, sau khi Moscow công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, đồng thời ra lệnh điều quân tới hai khu vực này.
Trả lời phỏng vấn chương trình Soloviev, bà Zakharova nêu rõ: "Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, chúng tôi khẳng định: chúng tôi sẵn sàng tham gia đàm phán. Nga luôn ủng hộ con đường ngoại giao".
Trước đó, đêm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vungf Donetsk và Lugansk do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine, mở đường cho việc triển khai lực lượng của Nga tới khu vực này.
Động thái này của Nga đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, trong khi Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ không lùi bước và nhượng bộ bất kỳ ai.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Lavrov cho hay ông dự kiến có cuộc gặp người đồng cấp Blinken vào ngày 24/2 tới ở Geneva (Thụy Sỹ) để thảo luận tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Về phía Mỹ, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, Washington cam kết tìm ra giải pháp ngoại giao cho tình hình xung quanh Ukraine, song thúc giục Nga thay đổi đường hướng để giải pháp ngoại giao phát huy hiệu quả.
Quan chức trên nói: "Các hành động của Tổng thống Putin ngày hôm nay gây ra sự leo thang căng thẳng lớn và là một dấu hiệu nữa cho thấy Nga đang tìm kiếm chiến tranh chứ không phải ngoại giao. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn các đồng minh và đối tác của mình trong những giờ tới để tìm ra giải pháp".
(theo Sputnik, AFP)