Giữa đại dịch, cho vay nặng lãi 'nhắm' đến người nghèo

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu. Tội phạm tín dụng đen đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng 'bẫy' vay nợ thông qua nhiều hình thức và thủ đoạn mới tinh vi hơn, hướng đến nhóm đối tượng yếu thế như người lao động nghèo, người dân tộc vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với thông tin…

 Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, Covid-19 khiến tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, Covid-19 khiến tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn

“Sốc” với lãi suất 1.700%/năm

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tổ chức hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn".

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, tội phạm tín dụng đen đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ… Đồng thời, tội phạm tín dụng đen đã sử dụng nhiều cách thức xử lý, đòi nợ phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay đã khiến thu nhập của người dân, nhất là đối tượng lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ bị giảm sút. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng lợi dụng công nghệ dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến, qua điện thoại....

Hiện, tín dụng đen len lỏi dưới rất nhiều hình thức. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại các địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ, nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các chức tín dụng, công ty tài chính...., xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, năm 2021, lực lượng công an đã xử phạt hàng nghìn đối tượng liên quan đến tín dụng đen với nhiều tội danh. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng, chiếm hơn 51% vụ vi phạm liên quan đến tín dụng đen.

Gần đây, lực lượng công an đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do đối tượng người Hải Phòng cầm đầu, hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm. Tuy chỉ có 1 bị hại nhưng nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ 11 tỷ đồng.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Nhiều chiêu trò lách luật

Theo các đại biểu, việc xử lý tội phạm tín dụng đen hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng.Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật như: Thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi; hoặc sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay: Không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay…

“Các thủ đoạn này khá đa dạng và mới mẻ khiến cho người dân có nhu cầu vay vốn không hình dung và lường trước hậu quả. Ngoài ra, các tội phạm tín dụng thông qua không gian mạng thường có tổ chức và được điều hành hết sức tinh vi và chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh.

Trước những vấn đề này, tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị để tăng hiệu quả cho công tác kiềm chế tín dụng đen.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Tài chính SHB Finance cho biết, để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan công an các cấp, đồng hành và triệt phá những đường dây cho vay nặng lãi . Đồng thời, rất cần cơ quan chức năng kịp thời ban hành các quy định về quản lý vốn, dự phòng rủi ro, cập nhật thông tin tín dụng khách hàng trong hoạt động cho vay đối với các tổ chức cầm đồ, P2P, vay online…. nhằm đưa nhóm tổ chức này vào khuôn khổ quản lý chung.

Bên cạnh việc nâng cao công nghệ số hóa để khách hàng vay tiền nhanh và thuận tiện hơn, SHBFC luôn có kế hoạch mở rộng, phát triển mạng lưới kinh doanh nhằm tiếp cận khách hàng sâu rộng hơn, hỗ trợ vay vốn cho mọi tầng lớp, đối tượng khách hàng

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Cấn Văn Lực, các kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy cần 3 nhóm giải pháp chính để ngăn chặn tín dụng đen: Các giải pháp về quy định pháp lý và quản lý; các giải pháp về nâng cao kiến thức tài chính và các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn thông qua hoạt động tài chính chính thức.

Cụ thể, phải tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính - ngân hàng; triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen…

Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Tín dụng đen cho vay dễ dàng và lãi suất cao gấp nhiều lần so với công ty tài chính, hướng dẫn khách hàng vay nhiều app để đảo nợ... Tất cả hành vi này đã tạo cho khách hàng tâm lý dễ dãi trong văn hóa vay và trả nợ. Khi khách hàng không trả được nợ thì tín dụng đen dùng nhiều hình thức thu hồi nợ trái trái pháp luật nhằm ép khách hàng trả nợ. Các tổ chức này không thuộc hệ thống tài chính ngân hàng nên chưa có quy định chế tài trong việc áp dụng khung lãi suất hay quản lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Vì vậy, cho vay lãi suất cao và đòi nợ bất chấp chính là then chốt trong mô hình kinh doanh này.

Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Tài chính SHB Finance Trần Thanh Nữ Tường Vy

Nha Trang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giua-dai-dich-cho-vay-nang-lai-nham-den-nguoi-ngheo-442530.html