Giữa hy vọng và lo ngại

Chính phủ Indonesia đã ban hành quy định mới trong Chương trình Tiết kiệm nhà ở công nhằm tạo ra một nguồn quỹ giống như quỹ bảo hiểm để hỗ trợ người dân mua nhà. Tuy nhiên quy định yêu cầu người lao động trong khu vực tư nhân và tự kinh doanh phải đóng 3% tiền lương của họ cho Quỹ Tiết kiệm nhà ở xã hội (BP Tapera) không nhận được sự đồng thuận do gánh nặng tài chính tiềm tàng mà nó đặt lên cả cá nhân và doanh nghiệp.

Hình thức tiết kiệm mới

Chương trình Tiết kiệm nhà ở công hay còn gọi là Tapera (Tabungan Perumahan Rakyat), ra mắt vào năm 2016 và được triển khai thực hiện từ năm 2020. Song, do thiếu các quy định thực hiện cụ thể ở cấp bộ, nên chương trình này đã tạm thời bị trì hoãn. Và mới đây, Chính phủ Indonesia ban hành các quy định mới về để hiện thực hóa Tapera.

Căn cứ vào thay đổi mới nhất liên quan tới BP Tapera, lao động trên 20 tuổi hoặc những người đã kết hôn, có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nằm trong nhóm bắt buộc tham gia vào chương trình. Họ bao gồm công chức, quân nhân, cảnh sát, nhân viên doanh nghiệp nhà nước, nhân viên khu vực tư nhân và người nước ngoài làm việc tại Indonesia 6 tháng trở lên.

Theo chính sách này, người lao động sẽ đóng góp 2,5% tiền lương của họ và phía sử dụng lao động sẽ đóng góp 0,5% còn lại. Người lao động tự do sẽ phải tự trả toàn bộ 3%. Và tất cả đơn vị sử dụng lao động phải đăng ký cho người lao động tham gia BP Tapera trước năm 2027. Số tiền tiết kiệm sẽ được thu thập bởi cơ quan chính phủ.

Để đạt được mục tiêu dài hạn là tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở cho người Indonesia, các khoản đóng góp chung của người lao động sẽ được quản lý và tái đầu tư vào tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, chứng khoán cũng như bất kỳ hình thức đầu tư nào khác dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Công chính và Nhà ở công cộng Indonesia (PUPR) Basuki Hadimuljono cho biết, BP Tapera sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của các nhóm thu nhập thấp thông qua nhiều chương trình tài chính khác nhau, ví dụ như các khoản vay với lãi suất thấp hơn thị trường để sở hữu nhà, xây dựng và cải tạo nhà. Những người có thu nhập hàng tháng dưới 8 triệu Rp (490 USD) đã đủ điều kiện nhận trợ giúp của BP Tapera.

Lợi ích mà BP Tapera mang lại khi sử dụng số tiền thu được từ các khoản đầu tư này sẽ bao gồm các khoản vay hợp lý để mua, xây dựng và cải tạo nhà. Những người đóng góp cũng có thể sử dụng quỹ này như một phương tiện tiết kiệm hưu trí, số tiền này có thể được rút khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc khi hết tư cách thành viên Tapera. Chương trình cũng sẽ cung cấp một nền tảng kỹ thuật số để cung cấp thông tin toàn diện về nhà ở cho công chúng.

Theo trang web của BP Tapera, dự kiến trong năm 2024, khoảng 9,083 nghìn tỷ Rp (562 triệu USD) sẽ được sử dụng để trợ cấp nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp.

Cần chiến lược để tăng khả năng thích ứng

Tuy nhiên, sau khi những quy định này được công bố đã khiến cho những người sử dụng lao động và người lao động cảm thấy áp lực hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Hiệp hội Người sử dụng lao động Indonesia Shinta Kamdani cho biết, khoản thu bổ sung cho chương trình nhà ở công cộng sẽ tạo thêm gánh nặng cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Thống kê cho thấy, ít nhất 18% thu nhập hàng tháng của mỗi người lao động đang dành cho các chương trình phúc lợi, chẳng hạn như tiết kiệm hưu trí, y tế và bảo hiểm xã hội. Bà cho biết thêm, việc tiết kiệm nhà nên đến từ sự tự nguyện của mỗi người dân, chứ không phải bắt buộc. Quy định này sẽ tạo gánh nặng cho khu vực tư nhân vốn đang phải đối mặt với nhu cầu suy yếu và đồng rupiah mất giá.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn lao động ở Indonesia đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Cung điện Nhà nước để yêu cầu chính phủ thu hồi quy định mới. Họ cho rằng, số tiền mà các cá nhân phải đóng góp cho Tapera sẽ không đủ để giúp những người tham gia có thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà ở, đặc biệt là ở khu vực Jakarta. Thậm chí tình hình còn trở nên phức tạp hơn do chênh lệch thu nhập giữa các vùng vì mỗi vùng đều có tiêu chuẩn lương tối thiểu và điều kiện kinh tế khác nhau. Cụ thể, người dân làm việc tại Jakarta có mức lương tối thiểu hàng tháng khoảng 5 triệu Rp (325 USD), trong khi tại Trung Java có mức lương tối thiểu hàng tháng thấp nhất, khoảng 2 triệu Rp (130 USD). Điều này sẽ tạo ra khoảng cách tiết kiệm lớn giữa người lao động ở các vùng khác nhau của đất nước. Hơn nữa, những người lao động có thu nhập thấp vốn đã khó khăn, sẽ phải cắt giảm bớt các khoản chi tiêu thiết yếu khác để bù tiền đóng vào quỹ chương trình.

Đối với những người sử dụng lao động ở khu vực tư nhân, việc phải hỗ trợ cho đóng phần trăm vào quỹ Tapera sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của doanh nghiệp và an ninh việc làm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty có thể phải đối mặt với tình trạng cắt giảm nhân sự, cắt giảm đầu tư hoặc đóng cửa, dẫn tới nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Thêm vào đó, các chuyên gia chỉ ra rằng, Tapera có cách thức hoạt động giống với chương trình bảo hiểm xã hội hiện tại của Indonesia là Cơ quan An sinh Xã hội Việc làm. Cả hai hệ thống đều nhằm mục đích cung cấp sự bảo đảm tài chính cho người về hưu, nhưng có những cách tiếp cận khác nhau. Sự chồng chéo này có thể khiến người dân dễ bị nhầm lẫn, sử dụng tài nguyên không hiệu quả và khiến chi phí hành chính cao hơn.

Dư luận cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động quản lý và giám sát quỹ Tapera. Để ngăn chặn tình trạng quản lý yếu kém hay tham nhũng, Chính phủ Indonesia cần có một cơ chế mạnh mẽ về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhằm củng cố và nâng cao niềm tin của công chúng vào Tapera.

Theo EAF, Tapera hướng tới giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở giá rẻ nhưng các quy định mới đã cho thấy nhiều sự bất cập. Sự chênh lệch giữa các khoản thanh toán nhỏ và chi phí nhà ở tăng nhanh, cùng với những lo lắng về gánh nặng tài chính ở cả cá nhân và doanh nghiệp đã làm nổi bật những khó khăn khi thực hiện chương trình như vậy.

Trước khi chương trình được triển khai vào năm 2027, các chuyên gia kỳ vọng Chính phủ Indonesia sẽ giải quyết những vấn đề nêu trên bằng cách cải thiện cơ chế tài chính, cung cấp sự linh hoạt đầu tư phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tích hợp Tapera với bảo hiểm xã hội hiện có và kết hợp chương trình cấp vốn với thế chấp thương mại. Những chiến lược này sẽ thực sự giúp người dân tăng khả năng thích ứng và cởi mở hơn với những chính sách mà Chính phủ đưa ra, cũng như mang lại sự phân bổ công bằng, bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên.

Châu Anh (Theo East Asia Forum; The Jakarta Post)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/giua-hy-vong-va-lo-ngai-i380465/