Giữa khó khăn, đâu là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp?

Kinhtedothi – Giữa những khó khăn, khả năng thích ứng, xoay sở của doanh nghiệp và sự đồng hành của cơ quan chức năng sẽ là động lực giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh trong các quý tới.

Sức ép vẫn rất lớn

Chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết: Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Thêm nữa là áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Một số thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu thực tiễn được kiến nghị song chưa được giải quyết thấu đáo.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại phân xưởng sản xuất của May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại phân xưởng sản xuất của May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Bên cạnh đó, một khó khăn nội tại nữa đó là khả năng tiếp cận các trình độ về mặt khoa học công nghệ, đổi mới về trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chỉ có trên 46% doanh nghiệp của Việt Nam đang tập trung trong vấn đề đổi mới về khoa học công nghệ để làm sao tăng được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt - Nguyễn Thị Phương Lam thông tin, kết quả kinh doanh của trên 1.000 tổ chức niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2023 nhìn chung giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước khoảng 16%, chỉ một số ngành đơn lẻ có kết quả kinh doanh tích cực.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện đang tập trung ở 2 vấn đề chính. Đầu tiên là về nguồn vốn. Số liệu từ khảo sát của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, có tới 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, khó khăn của ngành bất động sản cũng đang lan tỏa sang các ngành khác như ngành vật liệu xây dựng, tiêu dùng…

Đẩy mạnh đầu tư công, bơm vốn ra thị trường

Các chuyên gia dự đoán, quý II và đến quý III/2023 sẽ là thời điểm quan trọng khi mà hàng loạt các chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành đã được ban hành, sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, giảm các chi phí, giảm lãi vay của các hệ thống ngân hàng… Ngoài ra, với số dân số gần một trăm triệu người, chắc chắn sức mua ở thị trường nội địa rất tiềm năng. Làn sóng du lịch đang phát triển mạnh sẽ kéo theo một loạt các ngành hàng, dịch vụ đi kèm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 4/2022; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý 2/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 1/2023; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, động lực chính là là năng lực xoay sở, thích ứng của doanh nghiệp. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi và đáp ứng gần như tất cả các đơn hàng từ thị trường trong và thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều các giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Một giải pháp đang được trông chờ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đó là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Khi chi phí của doanh nghiệp được giảm đi, thì giá thành hàng hóa cũng sẽ giảm theo, qua đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng các chính sách đồng bộ để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp càng nhanh càng tốt. Việc giảm một loạt lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng có tác động để kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đó sẽ không tác động nhiều đến việc giải ngân vốn cho doanh nghiệp nói riêng hay nền kinh tế nói chung. Bởi các ngân hàng nhỏ sẽ vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là nếu lãi suất tiền gửi giảm nhanh.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn phải kích thích thị trường nội địa bằng cách tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng doanh nghiệp. Song song, mở room tín dụng, đưa lãi suất về mức thấp để bơm tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, kích thích, tạo việc làm để có tiêu dùng. Có tiêu dùng thì nền kinh tế sẽ lập tức phục hồi. Các hoạt động đầu cơ hiện nay gần như không có.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giua-kho-khan-dau-la-dong-luc-tang-truong-cua-doanh-nghiep.html