Giữa khoảng không ngôn từ
Như con thuyền đến lúc giong buồm ra biển lớn, tác phẩm văn học rồi sẽ sống cuộc đời mới, trải qua số phận của riêng mình. Trở thành hóa thạch với thời gian, hay chỉ là một vụn bụi tàn, tùy thuộc vào giá trị tự thân mà nó có. Điều duy nhất nhà văn có thể làm, chính là ngọn gió mà anh đã thổi vào con chữ trong những đêm bóng lưng in trên bệ tường, và đôi tay cặm cụi trên từng trang viết.
Văn chương nói về tình dục như thế nào?
Dư luận xôn xao khi một phụ huynh có bài đăng trên Facebook phản ánh việc giáo viên trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ISHCMC) cho con gái đọc "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" trong kỳ nghỉ lễ. Chị cho rằng tác phẩm này có "ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm", do đó không phù hợp cho học sinh. Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều phụ huynh, các nhà văn, giới chuyên gia cho rằng, "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là cuốn sách đáng đọc.
Tình dục không phải là đề tài cấm kỵ, thế nhưng nói về tình dục như thế nào mới là điều đáng bận tâm. Văn hóa Á Đông với quan điểm: "Đàn ông chớ đọc Phan Trần/ Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều" đã trở thành một vết xăm in vào tiềm thức con người. Nghệ thuật được khai sinh từ nhu cầu được giãi bày, bộc bạch những nỗi niềm riêng thầm kín. Là một trong 7 loại hình nghệ thuật đương thời, văn chương cũng không ngoại lệ. Được ươm mầm và thai nghén từ những nung nấu cuộn trào, những xót xa quằn quại, những xúc cảm đa mang, văn học mang trong mình sứ mệnh giúp con người thấu hiểu, tin tưởng và yêu thương chính mình, mở rộng ra là tình yêu muôn người muôn loài.
Và đã hướng ngòi bút về con người trong hàm nghĩa đơn thuần nhất, làm sao văn chương không thể viết về tình dục như một phần bản thể trong mỗi chúng ta. Từ Hồ Xuân Hương đến Nguyễn Du, từ Nam Cao đến Vũ Trọng Phụng, từ Trần Vũ tới Y Ban, văn học Việt Nam đều hiển hiện yếu tố tình dục, dù lộ liễu hay kín đáo, nhẹ nhàng hay táo bạo, bi thảm hay mơ màng. Và nghiễm nhiên, các nhà văn viết về tình dục, với góc nhìn và mục đích như thế nào mới là điều đáng để luận bàn.
Hơn 200 năm ra đời, "Truyện Kiều" - tác phẩm được xem là đóa "quốc hồn quốc túy" của dân tộc đã từng có một thời bị người đời quay lưng. Độc giả phản bác "Truyện Kiều" vì cho rằng trong xã hội phong kiến, một người con gái tự mình quyết định tình yêu, cùng người thương "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình", tự bán mình chuộc cha để rồi "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần" như Thúy Kiều là trái với luân thường đạo lý. Bởi lễ giáo bấy giờ quy định người phụ nữ phải lấy chữ trinh làm đầu, "nam nữ thụ thụ bất thân", đã là phụ nữ thì phải "tam tòng tứ đức". Một cuộc đời dâu bể, phận gái lầm than khiến nàng làm trái với lễ giáo phong kiến, trở thành cô gái hư hỏng, lăng loàn, coi thường chuẩn mực đạo đức xã hội trong mắt mọi người. Mãi đến nhiều năm sau, người đời mới nhận ra Kiều là cô gái đáng thương và đáng trân trọng.
Hồ Xuân Hương cũng là một trường hợp điển hình khi chủ đề cơ bản, quan trọng và phổ biến nhất trong thơ bà là về tính dục. Từ con người, thế giới, tình yêu, cái đẹp, niềm hạnh phúc hay khổ đau, hoan lạc hay thất vọng,... tất cả đều được khúc xạ qua nhãn quan tính dục. Song, nếu chỉ nhìn ở lớp nghĩa bên ngoài mà phân tích, cảm thụ thì sẽ không thực sự hiểu được khát khao ngầm ẩn mà nữ sĩ muốn gửi gắm. Ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ là những khát khao về một tình yêu viên mãn, đầy ắp, những mong cầu một cách rất người về tình dục một cách lành mạnh và khỏe khoắn trong xã hội còn nhiều ràng buộc về chủ nghĩa cá nhân.
Nhìn rộng hơn, nếu tình dục trong một số quốc gia là đề tài khiên cưỡng, còn chịu nhiều cấm đoán, kiểm duyệt thì đối với văn học Nhật, đó là một trong những phương thức biểu hiện thế giới nội tâm của con người. Từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, văn chương Nhật ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các trào lưu Tây hóa.
Đó là những đắm say tuyệt vọng, những bạo liệt bi hài, những biến thái lãng mạn giữa Joji và Naomi trong "Tình khờ" của Tanizaki Junichiro; là vẻ đẹp nhục cảm của người phụ nữ pha lẫn với nỗi bi cảm sâu sắc trước sự vô thường trong "Xứ tuyết", "Ngàn cánh hạc" của Yasunari Kawabata; là nỗi cô đơn, vỡ mộng, hoang mang khủng khiếp ở thế giới hậu hiện đại trong "Rừng Nauy", "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" của Haruki Murakami.
Từ Tanizaki, Kawabata đến Murakami… nhiều nhân vật trong tác phẩm của họ đều là những sinh linh cô độc khép mình trước thế giới, tự xây nên những chiếc lồng tâm lý cách ly mình với cộng đồng, luẩn quẩn trong những ẩn ức tình dục không dễ gì giải tỏa. Ở đấy tình dục được miêu tả không phải như một niềm hoan lạc, cũng không phải như một dục vọng nhớp nhúa mà như một nỗi đau và khổ nạn của con người.
Tác phẩm văn học là con chữ biết nói
Văn học, trước hết, là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn là người thợ lành nghề lấy ngôn từ làm chất liệu để xây nên thế giới nghệ thuật của riêng mình. Ngôn từ văn học, do đó, không chỉ khác với ngôn ngữ tự nhiên hằng ngày, khác với các hình thức giao tiếp phi nghệ thuật, mà cũng khác với hình thức của các nghệ thuật ngôn từ khác, bởi "chúng là các loại hình kí hiệu khác nhau, giao tiếp bằng các phương tiện khác nhau". Với đặc trưng nghệ thuật riêng, văn học buộc người đọc phải tưởng tượng, cảm nhận tác phẩm dựa trên độ tuổi, văn hóa, quốc gia, suy ngẫm và trải nghiệm cá nhân riêng biệt. Thế giới hình tượng và thông điệp mà người đọc cảm nhận trong mỗi tác phẩm, do đó sẽ không giống nhau.
Bên cạnh đó, giá trị của một tác phẩm văn học cũng không nằm ở những lời phê bình, tán dương hoa mỹ mà nằm ở những rung cảm thẩm mỹ tác phẩm mang đến cho độc giả, khiến người ta có thể nức nở và bật cười, khổ đau và sung sướng, thổn thức và hân hoan… Tác phẩm văn học, do vậy, không đơn thuần là những xác chữ nằm im trên trang giấy, nó còn là những con chữ "biết nói", là một sinh thể "sống", một chỉnh thể toàn vẹn có khả năng vượt lên tầm kiểm soát, suy nghĩ của nhà văn. Khi nhà văn đặt bút, dừng tay viết, đó mới là lúc sự sống của tác phẩm thực sự bắt đầu.
Quá trình tiếp nhận và đồng sáng tạo của độc giả chính là phép màu đem lại sức sống cho tác phẩm văn học. Mọi tác phẩm muốn bất tử cùng năm tháng, trường tồn với nhân gian, đều phải có sự giúp đỡ của người đọc. Thế nhưng, quá trình tiếp nhận vẫn còn là một câu chuyện nan giải, khi thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người rất khác nhau, cảm xúc thẩm mỹ lại thay đổi theo thời đại, văn hóa, quốc gia. Một tác phẩm có thể bị quên lãng vào thời đại mà nó sinh ra, lại có thể bùng lên ngọn lửa tiếp nối vào những thế kỉ sau. Vậy nên, việc đánh giá về giá trị của một tác phẩm văn học, luôn cần căn cứ trên nhiều phương diện.
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là một áng văn giàu giá trị, được kể dưới dạng một bức thư nhân vật Chó Con gửi cho người mẹ không biết chữ của mình. Đó là dòng chảy của ký ức về một cậu bé da màu cố tìm sự hòa nhập nơi đất Mỹ, là câu chuyện về một gia đình nhập cư với những ám ảnh tâm lý thời hậu chiến, là những hồi ức về tình yêu vừa ngây thơ đẹp đẽ nhưng cũng thật buồn bã nhói đau của một chàng trai lần đầu biết yêu. Có chăng chúng ta đang nghĩ về văn học theo hướng đơn giản hóa nên đã không ít người phê phán nó kịch liệt. Điều cần bàn ở đây, có lẽ, một tác phẩm mang nội dung nhạy cảm như thế sẽ không phù hợp để đưa vào trường học như một cuốn sách đọc tham khảo.
Văn chương, không chỉ "là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn" (Thạch Lam), văn chương còn hướng đến sự tri âm, thấu cảm. Nếu văn học chỉ viết về những người hùng hoàn hảo, những siêu nhân phi phàm trong cuộc chiến đơn thuần giữa thiện và ác, tà và chánh, đưa ra những câu chuyện hoàn hảo một chiều, vô tình, làm sao người đọc có thể đứng trên nhiều lập trường để xem xét, nhìn nhận về những vấn đề khác nhau. Nguyễn Du viết "Truyện Kiều", Nam Cao viết "Chí Phèo", Vũ Trọng Phụng viết "Số đỏ" đâu phải để cổ xúy một xã hội nhiễu nhương, tha hóa. Nhà văn viết về những con người không hoàn hảo, những cuộc đời méo mó, những thân phận đầy dằn vặt, tổn thương để khơi dậy và gợi thức sự đồng cảm nơi người đọc.
Giữa khoảng không của ngôn từ, chúng ta thấy một tấn bi kịch bên trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại, thấy xã hội phong kiến đã ngăn cản quyền được sống, được tự do tìm kiếm tình yêu, thấy một bức tranh trào phúng về sự giả dối lọc lừa để soi chiếu và tự vấn chính mình, đó mới là giá trị nhân văn của văn học.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/giua-khoang-khong-ngon-tu-i731432/