Giữa loạt bê bối, Facebook làm ăn ra sao?
Facebook dường như vẫn sống khỏe, bất chấp những tranh cãi xung quanh việc đặt lợi nhuận lên trên người dùng, 'thả cửa' cho trẻ em vị thành niên tiếp xúc nội dung độc hại...
Cụ thể, thu nhập ròng của công ty mạng xã hội (MXH) lớn nhất thế giới đã tăng 17% trong giai đoạn từ tháng 7 - 9/2021, lên 9,19 tỷ USD, do hiệu ứng từ doanh thu quảng cáo tăng mạnh. Con số này tăng từ 7,85 tỷ USD vào năm ngoái và nâng tổng doanh thu tăng 35%, lên 29,01 tỷ USD.
Trong ngày 25/10, cổ phiếu của Facebook đã tăng 2,5% trong giao dịch ngoài giờ sau khi đóng cửa, tăng 1%. Các kết quả trên vượt qua dự báo của các nhà phân tích trước đó về lợi nhuận của Facebook.
Facebook cũng thừa nhận rằng doanh thu của họ bị ảnh hưởng bởi tính năng App Tracking Transparency mới trên iPhone, và Mark Zuckerberg đích thân đổ lỗi cho Apple: “Như dự đoán, chúng tôi đã phải chịu tác động về mặt doanh thu trong quý này, với một trong những lý do đến từ những thay đổi của Apple. Những thay đổi này đã tác động tiêu cực tới việc kinh doanh của Facebook, nhưng quan trọng hơn là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bị tác động giữa thời điểm vốn đã vô cùng khó khăn. Sheryl (Sandberg, giám đốc vận hành) và Dave (Fischer, giám đốc doanh thu) sẽ nói thêm về điều này, nhưng tóm lại là chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể vượt qua những khó khăn này với những khoản đầu tư đang được triển khai ngày hôm nay.”
Nhìn rộng hơn, thời gian gần đây dù doanh thu và lợi nhuận tích cực nhưng nhiều rắc rối đang dần bủa vây Facebook.
Theo đó, số lượng lớn tài liệu nội bộ đã được cô Frances Haugen - cựu nhân viên Facebook - tiết lộ cho các nhà quản lý Mỹ và giới lập pháp nước này. Chưa kể, một loạt cơ quan truyền thông báo chí lớn như Wall Street Journal, Financial Times, Washington Post cũng đã nhận được các tài liệu này.
Liệu Facebook có duy trì được doanh thu và tăng trưởng khủng sau loạt cáo buộc và bê bối truyền thông?
Bê bối liên quan tới Facebook tiếp tục lún sâu khi đã có ít nhất 2 cựu nhân viên khác, một người giấu tên và một người là cô Sophie Zhang, đã lên tiếng tố cáo mạng xã hội này với những cáo buộc tương đồng như cô Frances Haugen.
Dưới đây là nội dung một số cáo buộc:
1. Ngôn ngữ trên nền tảng có vấn đề lớn: Mạng xã hội lớn nhất thế giới bị tố không kiểm soát các nội dung thù hận trên các trang dùng tiếng Anh, và vấn đề này còn tệ hơn ở những nước nói ngôn ngữ khác. Đồng thời trong năm 2021 đã cảnh báo về số người kiểm soát nội dung bằng tiếng Ả Rập rất thấp trên nền tảng này tại Saudi Arabia, Yemen và Libya.
Một nghiên cứu khác tại Afghanistan (nơi Facebook có khoảng 5 triệu tài khoản người dùng) cũng nhận thấy ngay cả những trang giải thích cách báo cáo nội dung vi phạm chính sách của Facebook cũng không đạt tính chính xác về dịch thuật.
Tổng ngân sách dành cho phát triển các thuật toán phát hiện tin giả của năm 2020 thì Facebook chi đến 87% cho hoạt động này tại Mỹ, và chỉ dành 13% cho các nước còn lại ngoài Mỹ.
2. Chính bản thân công ty còn khó hiểu với chính cách hoạt động của thuật toán do mình tạo ra.
Các tài liệu tiết lộ rằng nhiều khi Facebook cũng không hiểu được chính các thuật toán của họ.
Một biên bản ghi nhớ vào tháng 9/2019 nhận thấy nam giới được xem các "post" có nội dung chính trị nhiều hơn 64% so với phụ nữ tại "gần như mọi quốc gia", và tình trạng này đặc biệt phổ biến tại các nước châu Phi và châu Á.
Mặc dù nam giới thường có xu hướng theo dõi các tài khoản cung cấp nội dung chính trị, nhưng bản ghi nhớ đó cũng nói chính thuật toán hiển thị nội dung trên bảng tin của Facebook cũng góp phần đáng kể tạo ra thực tế đó.
Một biên bản ghi nhớ khác vào tháng 6 năm ngoái cũng cho thấy các hệ thống chính của Facebook có sự thiên vị mang tính hệ thống về chủng tộc của người dùng. Điều này cho thấy có lẽ việc hiển thị nội dung trên bảng cấp tin bị ảnh hưởng bởi những người thường xuyên chia sẻ nhiều hơn so với những người ít chia sẻ thông tin hay có hoạt động tương tác với mạng xã hội này. Thậm chí, các nội dung do một vài nhóm chủng tộc cụ thể được ưu tiên hiển thị hơn những nhóm khác.
3. Thất bại trong việc kiểm soát nội dung thù hận
Facebook từng "khoe" trước truyền thông rằng các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) của họ có thể phát hiện và gỡ bỏ nội dung thù hận, xúc phạm người khác, nhưng các tài liệu rò rỉ cho thấy nhiều điểm hạn chế của hệ thống này.
Theo một ghi chú vào tháng 3/2021 của một nhóm các nhà nghiên cứu, công ty này chỉ xử lý được 3-5% nội dung thù hận và 0,6% nội dung bạo lực.
Một bản ghi nhớ khác cho thấy họ chưa bao giờ có thể xử lý được 10-20% vì việc để AI có thể hiểu được ngữ cảnh sử dụng ngôn ngữ và phát hiện nội dung vi phạm chính sách được nhấn mạnh rằng "vô cùng khó khăn".
4. Đặt lợi nhuận lên trên người dùng?
CNBC từng công bố rằng số tiền mà các công ty mạng xã hội kiếm được từ 1 người dùng trong 1 năm. Facebook đứng đầu với 7,89 USD/người (180.000 đồng). 7,89 USD nhân với 2,8 tỷ người dùng sẽ ra con số cuối cùng Facebook thu về. 99% doanh thu này là từ nguồn quảng cáo, nhằm thẳng tới từng người dùng.
Khi số người dùng mới không tăng hoặc giảm, sức ép doanh thu sẽ đè lên vai những người dùng hiện tại. Do đó, mạng xã hội này phải cách để người dùng hiện tại ở lại lâu hơn trên mạng xã hội, đọc nhiều hơn, xem nhiều hơn, tin nhiều hơn và tương tác nhiều hơn…
Nhiều người phản đối Facebook tố rằng công ty nói sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ người dùng từ những nội dung xấu, nhưng thực tế là nâng cấp sản phẩm để tiếp tục kéo người dùng ở lại thế giới ảo lâu hơn.
5. Mặc kệ trẻ em vị thành niên tiếp xúc nội dung không phù hợp?
Cô Frances Haugen tố cáo với các nhà lập pháp Mỹ rằng, Facebook đang gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em và cần có những quy định chỉnh đốn khẩn cấp.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, bà Haugen cho rằng, Facebook sẽ không giải quyết vụ việc nếu không có sự vào cuộc của các nhà chức trách. “Ban lãnh đạo của công ty biết cách tạo ra môi trường Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng họ không thực hiện những điều chỉnh cần thiết do họ đặt lợi nhuận của công ty lên trước lợi ích của người dùng”, cựu nhân viên của công ty nêu rõ. Đồng thời, công ty cũng không có biện pháp hiệu quả giới hạn trẻ em dưới 13 tuổi - độ tuổi tối thiểu của người dùng - đối với việc mở tài khoản. Theo cô, điều này làm gia tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với nội dung tiêu cực, chẳng hạn là những hình ảnh khiến chúng cảm thấy tự ti về cơ thể của mình.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal trích dẫn các tài liệu nội bộ bị rò rỉ của Facebook cũng cho thấy “gã khổng lồ” công nghệ biết rõ việc ứng dụng Instagram gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ, nhưng chưa tiến hành những điều chỉnh cần thiết để tạo ra môi trường mạng xã hội an toàn hơn.
Dự đoán về nguồn doanh thu của Facebook trong tương lai, nhà phân tích Debra Aho Williamson của eMarketer tin rằng những cáo buộc được tiết lộ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của công ty.
Việc công khai lên tiếng tố giác Facebook của Haugen đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của không ít chính phủ tại châu Âu. Nhiều các chế tài mạnh mẽ hơn trong tương lai sẽ được ban hành nhằm hạn chế và buộc các MXH như Facebook phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người dùng đăng tải.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/giua-loat-be-boi-facebook-lam-an-ra-sao.html