Giữa mênh mông sóng nước

Nằm trên địa bàn xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), đảo Thạnh An được coi là 'đảo của đảo' vì từ trung tâm thành phố phải mất 2 lần di chuyển phương tiện đường thủy (phà và đò) mới tới được đây. Ngoài địa thế vô cùng đặc biệt, nằm giữa vịnh Gành Rái mênh mông, hòn đảo này lâu nay cũng được mệnh danh là 'đảo hàu' vì có hàng chục ngàn bè hàu bao quanh đảo. Thậm chí, trong khi diện tích đảo chỉ chưa tới một cây số vuông thì diện tích vùng nuôi hàu xung quanh đảo lớn hơn thế nhiều lần.

Người dân thu hoạch hàu.

Người dân thu hoạch hàu.

Đổi đời nhờ nuôi hàu

Tuy là địa điểm có lịch sử phát triển lâu đời nhưng đảo hiện nay vẫn chưa có nước ngọt tự nhiên. Toàn bộ nước trên đảo vẫn phải được chở bằng sà lan từ Cần Giờ đưa ra, sau đó bơm lên bể chung và dẫn nước vào từng hộ dân. Người dân trên đảo vẫn phải sử dụng nước ngọt theo một định mức.

Cũng như nhiều cư dân trên các hòn đảo khắp đất nước, người dân ở Thạnh An chủ yếu làm nghề gắn liền với biển từ xa xưa. Nếu ngồi trên chuyến đò vượt biển để đến với đảo, từ xa xa bạn đã thấy rất nhiều ghe thuyền đậu kín ở 2 bến cảng của hòn đảo này. Mặc dù đảo rất nhỏ, từ đầu tới cuối đảo chưa tới 1 cây số nhưng Thạnh An có 2 bến cảng. Một bến dành cho ghe thuyền cập bến buổi sáng, một dành cho ghe thuyền cập bến buổi chiều. Nguyên nhân vì chế độ con nước triều ở đây.

Từ xưa cuộc sống của cư dân trên đảo hết sức khó khăn, nhiều mặt hàng tự cung tự cấp, nhất là những tháng mùa mưa kéo dài. Bởi từ đảo Thạnh An đi sang đảo Cần Giờ đã mất gần 1 giờ đồng hồ, trước khi có thể tiếp tục đi nơi khác.

Tuy nhiên, từ khoảng mười năm trước, người dân Thạnh An bắt đầu biết tới nghề nuôi hàu. Ban đầu chỉ một vài hộ rồi sau đó thấy là nghề “hái ra tiền”, người dân Thạnh An đổ xô đi nuôi hàu. Đến nay, gần như toàn bộ người dân trên đảo đều có các bè hàu. Gọi là “nuôi” nhưng kỳ thực, người dân Thạnh An không mất tiền con giống, cũng không cần chăm sóc, cho ăn mà chỉ thả những vật cứng xuống nước là có hàu bám vào.

Ông Nguyễn Văn Trường, 58 tuổi, một cư dân ở Thạnh An kể: “Có một thời, cách đây cũng chục năm rồi, cứ thả cái gì xuống nước ở ven đảo thì mấy tháng sau vớt lên là có hàu bám vào. Mà có hàu là có tiền. Mỗi ký hàu ngày đó bán mười mấy ngàn chứ ít gì đâu. Nhiều gia đình ở Thạnh An từng kiếm cả tiền tỷ nhờ con hàu. Họ mua nhà cửa, đất đai cho con cái ở trong huyện (Cần Giờ) hay cả trên Nhà Bè, Bình Chánh. Riêng gia đình nhà tôi, dù nuôi hàu sớm nhưng cũng chỉ kiếm đủ xài. Bởi lúc đầu mình nuôi có hơn trăm mét (tính diện tích mặt nước) sau có tiền lãi mới đầu tư mở rộng lên. Giờ được gần hai ngàn mét rồi”.

Cũng theo lời ông Trường kể, nghề nuôi hàu ở Thạnh An hiện nay tuy không kiếm bộn tiền như những năm trước nhưng vẫn là nghề giúp người dân có thu nhập ổn định, không bấp bênh như nghề đi biển và cũng ít tốn chi phí đầu tư hơn. Đặc biệt nhất, thương hiệu hàu Thạnh An đã được nhiều người biết tới nên hàng ngày, theo những chuyến đò thương lái bên huyện, trên thành phố cũng tìm tới đảo để lấy hàng.

Bắt đầu từ khoảng tháng 5, tháng 6 là vùng biển ven đảo có nhiều hàu giống, người dân phải thả đồ vật xuống để chúng bám vào. Mặc dù vậy, hiện ở Thạnh An một số hộ dân không khai thác hàu giống tự nhiên vì không chủ động. Họ chuyển qua đầu tư mua các loại hàu giống khác như hàu Thái Bình Dương dưới miền Tây. Hàu giống mua giúp người nuôi chủ động thu hoạch, không bị trùng so với các vụ hàu thông thường nên giá bán cũng cao hơn. Đặc biệt là năng suất hàu giống nhân tạo thường cao hơn hàu giống tự nhiên.

Nơi hai dòng sông đổ ra biển

Thạnh An là một hòn đảo đặc biệt. Ba mặt đảo là giáp với biển nhưng phía còn lại giáp với sông. Đó là nơi sông Lòng Tàu và sông Thị Vải đổ ra biển. Và đoạn sông ngắn ngủi chừng vài trăm mét đó được người dân Thạnh An gọi là sông Thêu. Như đã nói, dù có diện tích rất nhỏ nhưng đảo Thạnh An có nhiều công trình văn hóa như lăng thờ cá Ông, thánh thất… Cư dân trên đảo sống tập trung vì hơn 95% diện tích của xã Thạnh An là rừng ngập mặn cần Giờ không được cư ngụ.

Chúng tôi tới đảo Thạnh An vào một ngày tháng 5. Cách duy nhất để tới đảo là chuyến đò biển xuất phát từ cảng An Thạnh (thị trấn Cần Giờ) xuất phát đều đặn cách nhau một giờ đồng hồ. Ngoài ra, có thể đi từ thành phố Vũng Tàu nhưng đó là đò tư nhân, khi nào đủ khách thì chạy chứ không có lịch trình cố định. Người lái đò bảo, bình thường người ra đảo khá đông, xấp xỉ cả ngàn người một ngày cuối tuần nhưng từ hồi dịch bệnh đến nay, khách tới đảo rất ít. Hầu hết chỉ là người dân trên đảo đi về.

Bè nuôi hàu của cư dân Thạnh An.

Bè nuôi hàu của cư dân Thạnh An.

Từ xa xa, trên tuyến đường biển xuyên vịnh Gành Rái để tới đảo, điểm nhấn hiện lên là hàng ngàn những chiếc thùng nhựa màu xanh cột chặt vào nhau, nổi trên mặt nước. Đó đều là các bè nuôi hàu của người dân trên đảo. Do khu vực này nằm giáp biển, cách khá xa các khu dân cư ven sông nên hàng chục năm qua, người nuôi hàu ở Thạnh An chưa từng thất thu vì ô nhiễm nguồn nước như ngư dân các nghề nuôi thủy sản khác phải đối mặt. Theo chính quyền xã Thạnh An, hiện trên đảo có khoảng hơn 300 hộ dân nuôi hàu. So với vài năm trước, số hộ nuôi hàu có ít đi nhưng diện tích nuôi hàu lại tăng lên đáng kể, với khoảng gần 40 hec-ta mặt nước. Nguyên nhân bởi đảo Thạnh An nằm biệt lập với đất liền, dân số trên đảo khá ít nên nhiều hộ chuyển sang kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa cũng như đánh bắt thủy sản phục vụ các cư dân còn lại. Ngoài ra, du lịch cũng giúp cho nhiều hộ dân ở Thạnh An ăn nên làm ra. Trên đảo hiện có nhiều quán ăn, quán cà phê, nhà nghỉ phục vụ cho mọi người.

Bà Nguyễn Thị Hòa, 44 tuổi, một hộ dân nuôi hàu khác trên đảo kể, hàu tự nhiên phải sau khoảng 6 đến 8 tháng mới có thể thu hoạch được. Trước kia hàu thu hoạch theo vụ nhưng ngày nay, do có nhiều giống hàu mới và tránh bị thương lái ép giá, dân đảo thu hoạch hàu gần như quanh năm. Trong đó dịp hè và cuối năm là nhiều nhất vì nhu cầu người dân, khách du lịch tăng cao. Thậm chí hàu ở Thạnh An còn “lấn sân” sang của bên thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nơi từng được coi là vùng nuôi hàu lớn nhất khu vực Nam bộ. Cũng theo bà Hòa, gia đình bà có hơn ba ngàn mét mặt nước nuôi hàu quanh năm, trong đó một nửa là hàu giống mua, nửa còn lại ở tự nhiên. Hai vợ chồng bà làm một căn nhà tạm trên chính các bè hàu để ở và chăm sóc hàu. Mùa này, nhà tạm ở thoải mái nhưng từ tháng 7, mưa nhiều thì phải vào đảo, mỗi ngày ra thăm và thu hoạch hàu vài giờ đồng hồ.

Ngồi ở quán nước ngay bến đò Thạnh An 2 trong buổi trưa nắng gắt, nghe mấy người già trên đảo bảo, so với mấy năm trước, trên đảo giờ ít người hơn, chỉ toàn người già và con nít. Người trẻ, nếu có cơ hội hầu hết đều vào huyện, vào thành phố làm việc rồi cư ngụ lại, rất hiếm khi về đảo. Tuy cư dân trên đảo ít đi nhưng khách đến đảo lại đông hơn, thậm chí đò chạy 1 giờ đồng hồ còn không kịp khách. Với những trường hợp đặc biệt, như đau bệnh thì người trên đảo không đi đò mà được canô cao tốc của ủy ban xã đưa thẳng sang bên huyện.

Cuộc sống nay đã đổi thay thật nhiều.

Tôi đã từng tới nhiều vùng nuôi thủy sản trên mặt biển của ngư dân nhưng ít nơi nào có vị thế đặc biệt như vùng nuôi hàu Thạnh An. Đó không chỉ là nơi người dân mưu sinh mà còn là cầu nối giúp cho Thạnh An gần hơn với những vùng đất khác bởi những bè hàu mong manh ngoài cửa biển kia chính là thứ giúp du khách tới hòn đảo ngày một đông đúc hơn, nhất là những chuyến tàu cao tốc và phà vượt biển cũng chuẩn bị “cập bến” đảo Thạnh An trong thời gian tới…

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/giua-menh-mong-song-nuoc-tintuc465954