Giữa mùa khô, triều cường vẫn dâng cao, gây thiệt hại nặng ở miền Tây, vì sao?

Liên tiếp những ngày đầu tháng 4-2025, nhiều tỉnh ven biển miền Tây bị triều cường hoành hành nghiêm trọng. Triều cường làm vỡ hàng loạt tuyến đê ở Trà Vinh, Bến Tre. Tại TP Cần Thơ, nước dâng cao tràn ngập nhiều tuyến đường ở quận trung tâm Ninh Kiều. Điều đáng lo là ngay trong mùa khô, nước kiệt nhưng các tỉnh miền Tây lại chịu tác động rất lớn từ các đợt triều cường.

Đợt triều cường đầu tháng 4-2025, nước tràn bờ Hồ Búng Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng tới việc đi lại và sinh hoạt của người dân

Đợt triều cường đầu tháng 4-2025, nước tràn bờ Hồ Búng Xáng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng tới việc đi lại và sinh hoạt của người dân

Anh Châu Hoàng Danh ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là lần đầu tiên khu vực này bị ngập do triều cường khi đang là mùa khô hạn.

Trong khi đó, tại Trà Vinh đã ghi nhận 18 vụ đê bao bị sạt lở ở huyện Càng Long gây thiệt hại cho hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở một số địa phương tỉnh Bến Tre. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre ghi nhận: Đợt triều cường xảy ra mấy ngày nay khiến mực nước tại các trạm thủy văn đạt mức cao nhất so với lịch sử cùng kỳ nhiều năm qua, nhiều nơi ngập nước trên diện rộng. Đây là lời cảnh báo cho châu thổ miền Tây đang đối diện với “lũ mặn” – nước mặn từ biển tràn vào tạo nên những đợt triều cường lớn ngay trong mùa khô.

Hơn 20 năm trước, ĐBSCL thường xuyên đối diện với nước lũ từ sông Mê Công đổ về gây thiệt hại nặng nề cho hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Vùng hạ lưu bán đảo Cà Mau ít chịu tác động từ lũ sông Mê Công. Nay các đập thủy điện trên dòng Mê Công đã làm giảm dòng chảy về đồng bằng, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp gần như đã “thoát khỏi lũ” từ dòng Mê Công.

Nay vùng hạ lưu ven biển như Bến Tre, Trà Vinh và bán đảo Cà Mau lại phải đối diện với “lũ mặn” - cụ thể là triều cường ngày càng trầm trọng hơn. Trong đó, dự báo các đợt triều cường lớn hơn có thể đến từ tháng 8 đến tháng 10-2025.

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, những năm gần đây, dãy đô thị phía Đông ở từ quốc lộ 1A ra phía biển gồm Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy (Hậu Giang) thường bị ngập từ khoảng tháng 8 Âm lịch cho đến gần Tết Nguyên đán do thủy triều kết hợp với nước từ thượng nguồn Mê Công đổ về. Nhưng đáng lo hơn, dù nước từ thượng nguồn đổ về ít thì chỉ riêng thủy triều cũng gây ngập vào khoảng thời gian này.

 Đợt triều cường vào tối 2-4, đã làm ngập đường Trần Đại Nghĩa, khu Trung tâm Thương mại Cái khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Đợt triều cường vào tối 2-4, đã làm ngập đường Trần Đại Nghĩa, khu Trung tâm Thương mại Cái khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Các đô thị phía Đông này ảnh hưởng chủ yếu từ chế độ thủy triều Biển Đông. Trong một ngày có 2 lần nước lớn và 2 lần nước ròng. Trong một tháng có 2 đợt nước rong vào dịp Rằm và Ba mươi Âm lịch hàng tháng, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày. Những ngày trong đợt nước rong thì vào các giờ nước lớn, mực nước cao nhất và gây ngập các đô thị. Đến giờ nước ròng, nước rút thì hết ngập…

Vì sao tình hình ngập vùng giữa và bán đảo Cà Mau ngày càng nghiêm trọng hơn? ThS Nguyễn Hữu Thiện lý giải: Điều này do một số nguyên nhân chính gây ra.

Thứ nhất là nước biển dâng dù rất chậm chỉ khoảng 3mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm trở thành đáng kể.

Thứ hai là toàn đồng bằng đang sụt lún với tốc độ nhanh gấp 3-4 lần nước biển dâng do khai thác nước ngầm quá mức vì sông ngòi quá ô nhiễm không còn sử dụng cho sinh hoạt được nữa.

Thứ ba và rất quan trọng đó là không gian cho dòng sông không còn nhiều. Ven biển có hệ thống đê biển ngăn triều. Tất cả các nhánh sông Cửu Long từ biển vào đều có đê ven sông và hệ thống cống. Do đó thủy triều từ biển lên không có nhiều không gian để lan tỏa nên chỉ ở trong dòng chính và thọc mạnh vào đất liền, trung tâm đồng bằng.

Theo lý giải của một số nhà khoa học, hiện miền Tây cùng lúc chịu hai tác động kép: Một là nước biển dâng, hai là sụp lún đất. Có nhận định cho rằng, miền Tây đang sụt lún nhanh hơn nước biển dâng. Đây là hai nguyên nhân “cộng hưởng” đẩy nước mặn từ biển lấn sâu vào các cửa sông, làm mực nước dâng cao, gây ngập úng cục bộ như vừa qua xảy ra ở Trà Vinh và Bến Tre. Thậm chí, Cần Thơ cũng phải chật vật liên tiếp đối phó với triều cường gây ngập nhiều tuyến đường vừa qua.

Giải pháp cho việc “thích ứng với lũ mặn” là cần thực hiện tinh thần thuận thiên theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL, canh tác thuận theo mùa tự nhiên ở vùng mặn-lợ, giảm bớt đê bao khép kín ở vùng đầu nguồn (An Giang, Đồng Tháp), tái tạo không gian cho nước lan tỏa thì mới giảm ngập được. Đây sẽ là một “nan đề” mà cả ĐBSCL phải “liên thủ” mới hy vọng giải quyết được.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giua-mua-kho-trieu-cuong-van-dang-cao-gay-thiet-hai-nang-o-mien-tay-vi-sao-post789403.html