Giữa trăm nghề chọn nghề thầy thuốc

ĐBP - Tới thăm xuân nhà bạn nhân dịp đầu năm, ngoài những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau, tôi và bạn còn nói chuyện về tình hình dịch bệnh hiện tại, về những người bạn thân giờ đã là những y bác sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Bạn thoáng buồn khi tết này vẫn không có được niềm vui trọn vẹn vì đại dịch Covid cứ mãi kéo dài, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn cả năm trước. Bạn tỏ vẻ tiếc nuối khi xuân này, nhóm bạn thân chẳng thể tụ họp đông đủ. Và rồi bạn buông lời bảo: “Chọn nghề thầy thuốc làm gì cho mệt, cứ làm công việc ở nhà bình thường như mình thế này lại chẳng sướng hơn sao!”.

Nghe bạn nói, tôi tỏ vẻ không hài lòng, bởi nghề thầy thuốc dù thế nào cũng luôn được xem là một trong những nghề rất quan trọng. Từ xa xưa, bên cạnh dạy học thì bốc thuốc, chữa bệnh cứu người đã được xã hội đề cao, là những nghề cao quý. Bên cạnh những câu châm ngôn nổi tiếng về nghề giáo như “Lương sư hưng quốc” thì cũng có những câu châm ngôn nổi tiếng về nghề thầy thuốc như “Lương y như từ mẫu”.

Sức khỏe và tính mạng chính là vốn quý nhất của mỗi người. Bởi thế, chăm sóc sức khỏe, cứu người thoát khỏi những cơn nguy kịch luôn là yêu cầu cấp thiết và không hề dễ dàng. Việc này đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ phải trải qua một quá trình học tập lâu dài, được đào tạo bài bản để có thể vững chuyên môn mà còn phải thực sự có y đức. Ðó là lòng thương yêu con người, khát vọng cứu người, sự tận tâm, tận tình với bệnh nhân,…

Nghĩ về nghề thầy thuốc, tôi thực sự thấy trước mắt họ là vô vàn những gian nan, thử thách, nhất là trong xã hội và thời buổi hiện nay. Bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh ngày càng trở thành vấn nạn của cả thế giới. Ðiều đó khiến cho trách nhiệm, yêu cầu đối với các y bác sĩ càng trở nên nặng nề. Bên cạnh đó, những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp trong ngành y, là rất lớn, khó lường, rất cần được xã hội, nhất là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông cảm, sẻ chia. Tuy nhiên, thực tế xã hội hiện nay lại cho thấy, tâm lý nôn nóng của người bệnh, thói ích kỷ, coi trọng vật chất của nhiều người lại khiến nhiều y, bác sĩ bị xem thường, tạo áp lực, thậm chí là bị đe dọa, hành hung,…

Dù vậy, thật đáng tự hào và khâm phục biết bao với những ai đã lựa chọn và gắn bó với nghề chữa bệnh cứu người. Những ngày Tết vừa qua, trong khi chúng ta được vui vầy bên gia đình, người thân thì có biết bao y, bác sĩ vẫn phải ngày đêm bám chốt, xa nhà trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Biết bao người đã nhận nhiệm vụ tới vùng tâm dịch để ra sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp nối truyền thống, tinh thần ấy còn cảm động và khâm phục hơn khi có hàng ngàn sinh viên ngành y đã tình nguyện tham gia vào công tác truy vết, phòng chống dịch Covid trong những ngày tháng qua…

Một mùa xuân mới đang mở ra trước mắt mọi người. Chỉ mong những lương y, những người trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 có sức khỏe và tinh thần thật tốt để góp phần đẩy lùi được đại dịch. Có vậy thì xuân này mới càng trở nên tươi đẹp và xã hội mới thực sự được yên vui!

Thu Ðình

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/185201/giua-tram-nghe-chon-nghe-thay-thuoc