Giun rồng 1 mét chui ra từ người đàn ông 44 tuổi, cách gì phòng bệnh?
Giun rồng trưởng thành có thể dài hơn 1 mét, chui ra khỏi cơ thể qua da, gây viêm, sưng đau dữ dội. Nguy cơ nhiễm trùng nặng, biến chứng mô mềm, thậm chí bại liệt chi nếu không xử lý đúng cách.
Giun dài hơn 1 mét chui ra từ cơ thể
Ngày 7/5, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú thọ) cho biết, trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân nam (44 tuổi), trú tại xã Long Cốc, nhập viện ngày 30/4/2025 với chẩn đoán nhiễm giun rồng Dracunculus – bệnh ký sinh trùng cực kỳ hiếm gặp, từng được loại trừ tại Việt Nam.
Giun rồng dài tới 1,2 mét – chui ra ngoài qua da người, gây đau đớn tột độ, viêm nhiễm nghiêm trọng, thậm chí nhiễm trùng huyết nếu không xử lý kịp thời.

Ổ áp xe của giun rồng - Ảnh BVCC
Trong vòng 5 năm, Việt Nam ghi nhận 24 ca, riêng Tân Sơn có tới 6 ca. Nạn nhân chủ yếu là nam giới, có thói quen ăn gỏi cá, uống nước suối chưa đun sôi – tưởng chừng vô hại nhưng hậu quả thì khó lường. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng không có vắc xin phòng ngừa.
Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không ăn cá sống, đồ tái, gỏi. Uống nước đun sôi, tránh dùng nước giếng, nước suối chưa lọc kỹ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Khi có dấu hiệu mụn nước, sưng tấy da chi, sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Giun rồng dài hơn 1 m được lấy ra - Ảnh BVCC
Phát hiện điều trị sớm để giảm biến chứng nguy hiểm
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Kí sinh trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây bệnh giun rồng phổ biến trên thế giới nhưng hiện chỉ còn lưu hành chủ yếu ở châu Phi.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ năm 2020, bệnh đã xuất hiện trở lại. Trong 5 năm qua, cả nước đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, tập trung tại Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Đáng chú ý, tất cả bệnh nhân đều là nam giới và có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn hoặc uống nước lã.
Giun rồng có tên khoa học là Dracunculus medinensis gây bệnh ở người và động vật. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh và tỷ lệ mắc có thể lên tới 60%.
Bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài 9 - 14 tháng và tiến triển âm thầm, ít khi gây tử vong trực tiếp nhưng có thể tử vong do biến chứng của bệnh như: Nhiễm trùng thứ phát, áp xe lạnh xuất hiện tại chỗ giun chết, nhiễm trùng khớp…) tê liệt tủy sống, liệt nửa người do giun bị chết và vôi hóa.

Giun rồng đang chui ra - Ảnh BVCC
Các biến chứng này làm hạn chế khả năng học tập, làm mất khả năng lao động, hoặc suy kiệt do diễn biến bệnh kéo dài.
Khi mới mắc bệnh, người dân thường không có triệu chứng đặc biệt. Khoảng 1 năm sau mắc, khi giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu: Sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú.
Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3 - 6 tuần.
Nhiều trường hợp, giun cái tự tìm đường chui ra ngoài qua da, để lộ đầu giun trắng và tiết dịch màu vàng - đây là lúc bệnh nhân đau đớn và dễ bị nhiễm trùng nhất.
Hiện giun giống chưa có xét nghiệm sớm, chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng phát hiện sớm triệu chứng và can thiệp đúng thời điểm khi giun bắt đầu di chuyển ra ngoài cơ thể.
Để lấy được giun rồng, WHO cũng cảnh báo bác sĩ không nên kéo chúng ra một cách thô bạo hoặc phẫu thuật rạch để lấy giun, vì điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Một con giun rồng mang theo tới 3-4 triệu ấu trùng, nếu bị đứt gãy, chúng sẽ tràn ra ngoài, giải phóng độc tố, làm lây lan mầm bệnh và kích thích phản ứng viêm nhiễm.
Hậu quả có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp hoặc thậm chí áp xe do giun chết bên trong cơ thể.
Để phòng chống giun rồng cần đảm bảo:
- Ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống.
- Nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn hoặc đốt, hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu…sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây.
- Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…).