Giúp bệnh nhân chạy thận bớt gian nan
Cần Giờ là huyện cuối cùng trong hệ thống y tế TPHCM chưa có chạy thận nhân tạo.
Thấu hiểu được sự vất vả của 40 bệnh nhân cần chạy thận nơi đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai xây dựng đơn vị chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.
Mất việc, trầm cảm vì “chạy thận”
Trước mắt chúng tôi là căn nhà be bé khoảng 16m2 được che chắn và lợp mái tôn thấp. Đó là căn nhà được dựng nhờ trên đất của hàng xóm để mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1987, ngụ huyện Cần Giờ) có chỗ trú nắng, trú mưa.
Chị Hồng kể, chị phát hiện có bệnh khi con trai mới hơn một tuổi. Thời gian đó, chị ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu nhưng vì chủ quan nên không đi thăm khám. Đến lúc bị ho ra máu cục nhiều, liên tục, gia đình quyết định đưa chị đến Bệnh viện Nhân dân 115 để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ thông báo chị Hồng bị suy thận giai đoạn cuối, phải nhập viện ngay để điều trị.
“Vì nghĩ bệnh nặng giai đoạn cuối rồi cũng không sống được lâu, con trai lại còn quá nhỏ, tôi chỉ biết ôm lấy anh trai rồi cả hai anh em cùng khóc. Nhưng vì thương con nhỏ dại, tôi lại cố gắng vực dậy tinh thần, vừa đi làm vừa chạy thận nuôi hy vọng kéo dài cuộc sống”, chị Hồng nói.
Một tuần chị Hồng phải xin nghỉ làm 3 ngày để chạy thận. Thấy sức khỏe của chị giảm sút nhiều nên công ty động viên chị nghỉ việc tập trung điều trị. Chồng chị làm chung công ty cũng nghỉ việc để đưa vợ về quê chữa bệnh. Từ lúc về quê ở Cần Giờ, việc đi lại điều trị chạy thận của chị Hồng khó khăn chồng chất khó khăn khi phải di chuyển quãng đường dài từ nhà lên bệnh viện.
Cũng bắt đầu chạy thận khoảng 4 năm nay, mỗi tuần anh Nguyễn Văn Đủ (SN 1982, ngụ huyện Cần Giờ) được vợ chở đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM). Đoạn đường đi tạm ổn nhưng đoạn đường về khó gấp trăm bề.
Anh Đủ kể, mỗi lần chạy thận xong, sức khỏe rất yếu, có hôm anh ra nằm ghế đá bệnh viện nghỉ, trên đường về khi nào mệt thì vào các trạm xe buýt nằm, cảm thấy đỡ hơn thì mới dám tiếp tục đi.
“Một tuần chạy 3 lần, chạy xong tôi cảm thấy rất mệt. Đã có lúc định bỏ cuộc nhưng vì thương con nên cố gắng. Chạy thận lâu ngày, tôi bắt đầu né tất cả mọi cuộc vui, tự cô lập mình ở nhà. Không giao tiếp, tôi càng thêm suy sụp tinh thần. Các bác sĩ cho biết tôi bị rối loạn lo âu, trầm cảm nhẹ”, anh Đủ cho hay.
Đem điều tốt nhất đến với bệnh nhân
Chị Bùi Thị Hồng Phượng (SN 1984 - vợ anh Đủ) rất phấn khởi khi huyện Cần Giờ được trang bị một cơ sở chạy thận. Nhờ vậy, chồng chị có thể tự đi xe buýt một mình đến Trung tâm Y tế huyện mà không cần phải có người đi cùng. Chị Phượng từ lúc ấy có thêm thời gian ở nhà làm việc và cũng tiết kiệm được chút chi phí di chuyển, ăn uống.
“Tôi có hai cháu đang học ở trung tâm thành phố, ở nhà chỉ có hai vợ chồng. Trước đây, mỗi lần chở chồng đi chạy thận là ngày đó tôi phải bỏ hết mọi công việc khác. Từ ngày đơn vị chạy thận được mở ra tại huyện, tôi chỉ phải chở chồng ra bến xe buýt, sau đó tiếp tục về nhà đan giỏ để kiếm thêm thu nhập”, chị Phượng tâm sự.
Theo chị Phượng, các bác sĩ tăng cường xuống đây làm việc còn trẻ nhưng thái độ phục vụ rất ân cần, quan tâm bệnh nhân. Có vấn đề gì các bác sĩ sẽ trao đổi với người nhà để tìm ra phương án điều trị tốt nhất.
Là một trong những bác sĩ trẻ đăng ký tình nguyện tham gia ê-kíp xuống đơn vị chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, bác sĩ Phan Trung Nguyên - Khoa Nội tiết thận - Thận nhân tạo - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), cho biết tuy đường đi làm xa, việc di chuyển có hơi vất vả nhưng tất cả đều vui vẻ và cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hỗ trợ thêm cho bệnh nhân chạy thận tại huyện Cần Giờ.
“Các bác sĩ sẽ luân phiên nhau đi làm ở cơ sở các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Mỗi ê-kíp đi sẽ có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Tôi đi cố định vào thứ 3 hàng tuần; 5 giờ 30 phút sẽ có mặt tại bệnh viện để đi xe cùng đoàn”, BS Nguyên thông tin.
Theo BS Nguyên, những vất vả của bệnh nhân chạy thận là rất lớn và có những điều mà bệnh nhân rất khó nói ra trong quá trình điều trị bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ phải chạy thận tương đối nhiều, cách ngày họ phải đi chạy một lần, tinh thần bệnh nhân đi xuống, ngại giao tiếp và thu mình lại.
“Ngoài công tác chuyên môn, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường đến đơn vị chạy thận luôn cố gắng ân cần, quan tâm hỏi thăm động viên, chăm sóc các bệnh nhân.
Gặp bệnh nhân nhiều thành quen, hôm nào họ có thay đổi chút xíu là mình nhận ra ngay, những lúc ấy được bác sĩ quan tâm hỏi han, chia sẻ là bệnh nhân cảm thấy đỡ tủi thân và bớt suy nghĩ tiêu cực rất nhiều”, BS Nguyên chia sẻ.
Sống vui, sống khỏe với chạy thận
Đó là mục tiêu tiếp theo mà BSCKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ. Theo ông Khanh, bệnh nhân suy thận có thể được ví như “sống chung với lũ”, có nghĩa là sẽ phải chạy thận suốt đời.
“Để cải thiện thực trạng và những khó khăn của bệnh nhân và gia đình họ, chúng tôi đang xây dựng đề án chăm sóc toàn diện gồm kiến thức về bệnh tật, những vấn đề liên quan đến chạy thận nhân tạo, nhất là vấn đề về tâm lý để bệnh nhân có thể sống vui, sống khỏe và chấp nhận việc sống chung với bệnh”, ông Khanh cho hay.
Theo ông Khanh, hầu như bệnh nhân phải chạy thận suốt đời, trừ khi được ghép thận. Tuy nhiên, việc ghép thận tại nước ta vẫn đang còn nhiều vấn đề nan giải bởi chi phí tốn kém và nguồn hiến thận vô cùng hạn chế.
“Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để bệnh nhân chạy thận dù có bệnh nhưng vẫn có được những giờ được sống hạnh phúc chứ không phải ngày ngày buồn bã, suy nghĩ lung tung ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần”, ông Khanh nói.
Bên cạnh đó, ông Khanh cho rằng, nếu đề án được xây dựng thành công thì có thể mở rộng qua các khu vực lân cận. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ có 7 máy chạy thận.
“Chúng tôi luôn mong muốn số ca bệnh không tăng nữa dù thực tế luôn có những điều trái với mong đợi. Song có được sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Y tế TPHCM, bệnh viện tôi luôn sẵn sàng, đảm bảo đáp ứng kịp thời về thiết bị và nguồn lực con người thì cho dù số ca bệnh tăng hoặc thêm bệnh nhân từ các đơn vị lân cận đến thăm khám và điều trị vẫn được chăm sóc tốt”, ông Khanh khẳng định.
Nói về nguồn lực con người, ông Khanh đánh giá cao ê-kíp tăng cường đến đơn vị chạy thận huyện Cần Giờ. Ê-kíp gồm các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên môn trụ cột, các bộ phận khác, vật tư, dược, hóa chất, công nghệ thông tin...
Có thể xem ê-kíp là một khoa mới thành lập, một bộ máy mà ngoài bộ phận trực tiếp còn bộ phận gián tiếp để có thể thực hiện theo đúng 52 quy trình của chạy thận nhân tạo, đảm bảo chất lượng, bảo vệ sinh mệnh và sức khỏe cho người bệnh.
Theo ông Khanh, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện sẽ luân phiên nhau để đến với đơn vị. Đồng thời, trong thời gian này, bệnh viện vẫn đang thực hiện chuyển giao dần cho bác sĩ và điều dưỡng (đã học về chạy thận) của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ về chạy thận nhân tạo để trong 2 - 3 năm tới, có thể chuyển giao hoàn toàn kỹ thuật chạy thận nhân tạo đến với Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.
“Tại đơn vị chạy thận Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, lấy ý tưởng từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chúng tôi đã xây dựng mô hình siêu thị 0 đồng với mong muốn những món đồ nhỏ trên sạp có thể phần nào hỗ trợ được người bệnh hoặc người nhà trong quá trình đợi chạy thận.
Thực tế, thời gian chạy thận mất khoảng từ 3 - 4 tiếng mỗi lần, rất lâu nên người nhà hoàn toàn có thể ăn mì, ăn bánh nếu đói, uống nước hoặc ăn gì đó lót dạ trong quá trình chờ người thân chạy thận”, ông Khanh cho hay.
Ông Khanh khẳng định mục tiêu chữa bệnh để bệnh thuyên giảm là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, vẫn phải nhân rộng và phát triển các mô hình để bệnh nhân có thể sống chung với bệnh một cách thoải mái và vui vẻ.
Ngoài ra, để chủ động giải đáp các thắc mắc của mọi người, nhất là người bệnh, đơn vị sẽ triển khai một ứng dụng trên thiết bị điện tử để người nhà và người bệnh có thể tiếp thu các kiến thức về bệnh thận và chạy thận nhân tạo mọi lúc mọi nơi.
“Khi có thắc mắc hoặc gặp các vấn đề về tâm lý, người bệnh hoàn toàn có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên y tế qua ứng dụng này. Không chỉ tôi mà tất cả người làm nghề y đều mong rằng người bệnh có thể khỏi bệnh, nếu không thể khỏi bệnh thì phải sống chung với bệnh nhưng là chấp nhận và cố gắng, vui vẻ, hạnh phúc để cuộc sống có thể tốt hơn, tâm trạng tốt hơn và đón nhận những điều tích cực thay vì tiêu cực như một số bệnh nhân đang gặp phải”, ông Khanh bày tỏ mong muốn.
Hiện nay, bệnh lý mãn tính không chỉ có suy thận mạn giai đoạn cuối, mà còn các biến chứng từ việc suy thận mạn trên bệnh người lớn tuổi, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, viêm gan, viêm phổi và nhiều bệnh lý khác.
Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận định, khả năng điều trị của trung tâm y tế cũng đạt yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị khám, chữa bệnh. So sánh với các bệnh viện tuyến trên thì trung tâm y tế hạn chế hơn về nguồn thuốc, nhân lực.
“Chính vì vậy, chúng tôi đang cố gắng phối hợp tăng cường hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ ở tất các lĩnh vực chuyên khoa để có thể vừa đáp ứng điều trị bệnh suy thận mãn cho bệnh nhân vừa điều trị song song tất cả các bệnh lý khác”, ông Khanh nhấn mạnh.
Hiện, 23 trường hợp (trên 50%) đang thực hiện chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Số còn lại có gia đình con, cháu tại TPHCM nên chạy thận tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Bệnh viện Lê Văn Thịnh không thu thêm tiền phụ phí với bệnh nhân khi chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-benh-nhan-chay-than-bot-gian-nan-post683456.html