Giúp công nhân vượt khó
Thông tin từ hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 29, 30-11 cho thấy tình hình việc làm đang là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, toàn cầu đứng trước những thách thức mới về sự phát triển.
Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề lên nhiều quốc gia, khu vực.
Tại Việt Nam, qua khảo sát, tại 44 tỉnh, thành phố có 1.235 doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm lao động với 472.210 công nhân (CN) bị ảnh hưởng việc làm, nhiều nhất là CN các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử; trong đó CN trong DN có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 353.000 người, hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9.500 lao động nữ trong thời kỳ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Năm hết Tết đến, bị thiếu việc, mất việc là cú sốc lớn với người lao động (NLĐ). Đi làm quanh năm, NLĐ chỉ mong có việc làm đều, chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là sau 2 năm đại dịch hoành hành, nhiều người lâm vào cảnh lao đao, phải về quê tránh dịch hay ở lại thành phố, thắt lưng buộc bụng chi tiêu. Đại dịch dần qua, kinh tế-xã hội vừa phục hồi thì nay bị mất việc, thiếu việc. Điều đó đồng nghĩa cuộc sống những tháng ngày sắp đến là rất khó khăn, họ chưa biết phải xoay xở thế nào. Cuối năm, ai cũng mong chờ có việc làm đều, được bảo đảm tiền lương và có thêm khoản thưởng Tết để cùng gia đình đón cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Nhưng nay tất cả đảo lộn, tâm trạng của NLĐ trong diện này hết sức buồn bã. Tình cảnh đó rất đáng để quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ NLĐ vượt qua những tháng ngày khó khăn này.
Hơn ai hết, là từ chính DN và tổ chức Công đoàn cơ sở. Lúc này là lúc DN thể hiện thiện chí của mình với NLĐ, tìm mọi cách để giữ việc làm, cầm cự qua giai đoạn khó khăn; thực hiện đúng, đủ các quy định pháp luật lao động về quyền lợi việc làm, bảo hiểm xã hội, hạn chế thấp nhất tình trạng sa thải NLĐ. Công đoàn cơ sở phải hỗ trợ DN thực hiện những việc này và giám sát chặt chẽ để không xảy ra những trường hợp vi phạm pháp luật lao động hay tranh chấp lao động tập thể. Công đoàn cấp trên cơ sở và Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngoài nguồn quỹ dự kiến chi ra để hỗ trợ NLĐ dịp Tết, cần có thêm những hoạt động thiết thực để động viên, tiếp sức NLĐ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần gia tăng năng lực quản lý, điều tiết cung cầu lao động bằng giám sát thực hiện và tổ chức các sàn giao dịch việc làm; cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam và bộ ngành chức năng đề xuất Chính phủ giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm.
Một trong những đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất đáng lưu tâm là có thể trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp chi phí cho DN đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề cho NLĐ. Tương tự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn gói 26.000 tỉ đồng và chính sách ban hành càng sớm càng tốt bởi đã cận kề cuối năm.
Tất cả, đều nhằm giữ được việc làm, chăm lo tận tình để NLĐ được đón cái Tết có thể đơn sơ nhưng ấm áp tình người.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giup-cong-nhan-vuot-kho-20221130211831888.htm