Giúp học sinh tìm hiểu về Cách mạng Tháng Tám

Để các em học sinh hiểu thêm về ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức chương trình giáo dục, trải nghiệm với nhiều hoạt động hấp dẫn, gần gũi và dễ hiểu.

Các em học sinh được trực tiếp chạm vào những vũ khí đã được nhân dân ta sử dụng để giành chính quyền năm 1945.

Các em học sinh được trực tiếp chạm vào những vũ khí đã được nhân dân ta sử dụng để giành chính quyền năm 1945.

Ngày 18/8, Bảo tàng Hà Nội (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phối hợp các trường học trên địa bàn Hà Nội tổ chức chương trình giáo dục, trải nghiệm chủ đề Cách mạng Tháng Tám cho học sinh.

Trong khuôn khổ của chương trình giáo dục, trải nghiệm, các em học sinh được giới thiệu vai trò và ý nghĩa của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi này có ý nghĩa chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở kỷ nguyên độc lập cho nước ta.

Các học sinh cũng được tìm hiểu lịch sử thông qua nhóm hiện vật: Thư “Hỡi quốc dân đồng bào” của Việt Minh tháng 12/1944 kêu gọi vào Việt Minh để cứu nước; tập truyền đơn vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân tẩy chay những hoạt động của hội Pháp-Việt bác ái...

Các em cũng được tìm hiểu hiện vật là mã tấu, kèn đồng và thanh kiếm. Trong đó, mã tấu là một trong những vũ khí mà đồng chí Đỗ Mười đã vận động nhân dân xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) rèn để giành chính quyền năm 1945. Chiếc kèn đồng đã được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng để cử hành giai điệu bài hát "Tiến quân ca" trong lễ Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Thanh kiếm của nhân dân xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội) dùng để giành chính quyền năm 1945.

Tại khu vực trải nghiệm còn trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu quý về thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như hình ảnh đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945...

Bên cạnh đó, các em còn tham gia hoạt động trải nghiệm “Đi tìm bức tranh lịch sử”. Học sinh được quan sát ảnh tư liệu, mỗi bức ảnh đều có chú thích đặt ở phía dưới. Mỗi nhóm sẽ được phát 1 bộ ảnh gồm các bức ảnh thu nhỏ giống ảnh tư liệu đã được quan sát và giới thiệu. Các nhóm học sinh sẽ lần lượt xếp các tấm ảnh nhỏ vào đúng với chú thích của bức ảnh đó.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giup-hoc-sinh-tim-hieu-ve-cach-mang-thang-tam-post768040.html