Giúp học sinh ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Các trường học trên địa bàn Yên Bái chú trọng nâng cao kỹ năng, lan tỏa văn hóa giao thông trong môi trường học đường.

Học sinh trường THCS Mậu A (Văn Yên) trong buổi tuyên truyền ATGT tại trường học.

Học sinh trường THCS Mậu A (Văn Yên) trong buổi tuyên truyền ATGT tại trường học.

Xây dựng văn hóa giao thông trong trường học

Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn mỗi năm. Trong đó, lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Trước thực trạng trên, việc tuyên truyền Luật giao thông trong trường học đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường mà còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng. Tuyên truyền Luật giao thông không chỉ giúp học sinh nâng cao nhận thức mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho toàn xã hội.

 Lực lượng công an hướng dẫn giao thông cho các em học sinh tại huyện Văn Yên.

Lực lượng công an hướng dẫn giao thông cho các em học sinh tại huyện Văn Yên.

Nắm được tầm quan trọng của vấn đề này, các trường học tại Yên Bái quan tâm, chú trọng nâng cao kỹ năng, ý thức cho học sinh.

Mới đây, Trường Tiểu học & THCS Tô Mậu (Lục Yên) đã phối với với Công an xã Tô Mậu tổ chức buổi tuyên truyền về luật an toàn giao thông cho học sinh toàn trường. Tại buổi tuyên truyền, chuyên gia truyền đạt những kiến thức cơ bản về ATGT, những kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, các quy định xử lý vi phạm về ATGT. Đồng thời khuyến cáo các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông để phụ huynh, học sinh biết, phòng ngừa.

 Buổi tuyên truyền giao thông tại trường Tiểu học & THPT Tô Mậu.

Buổi tuyên truyền giao thông tại trường Tiểu học & THPT Tô Mậu.

Hơn 1000 học sinh trường THCS Mậu A (Văn Yên) cũng vừa có buổi nâng cao kỹ năng và văn hóa giao thông.

Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được lực lượng công an giải đáp các thắc mắc cũng như phổ biến kỹ năng điều khiển xe đạp điện lưu thông trên đường, quy định hình thức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện này khi vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Các nhà trường tại Yên Bái xác định, việc giáo dục về an toàn giao thông trong trường học giúp học sinh nhận thức rõ ràng về các quy định và luật lệ khi tham gia giao thông. Từ đó, các em sẽ hình thành thói quen tốt và ý thức tự giác, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

 Hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm an toàn.

Hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm an toàn.

Đồng thời giúp các em học sinh hình thành văn hóa giao thông an toàn. Văn hóa giao thông an toàn không chỉ đơn thuần là tuân thủ các quy định mà còn là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các người tham gia giao thông.

Khi các em học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức về Luật giao thông, họ sẽ trở thành những người tuyên truyền viên, lan tỏa thông điệp an toàn giao thông đến bạn bè và người thân. Điều này sẽ tạo nên một cộng đồng với ý thức giao thông cao và trách nhiệm.

Tích hợp nội dung an toàn giao thông vào chương trình chính khóa

Trong thời gian qua các nhà trường đã tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học chính khóa. Các giáo viên không chỉ giảng dạy lý thuyết mà còn tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo chuyên đề để học sinh có thể trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu thêm về vấn đề này.

 Các nhà trường chú trọng nâng cao kỹ năng, văn hóa giao thông cho học sinh.

Các nhà trường chú trọng nâng cao kỹ năng, văn hóa giao thông cho học sinh.

Việc lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào các môn học khác cũng giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Cùng với đó tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông, hay tổ chức các buổi diễn tập mô phỏng tình huống giao thông thực tế đã được nhiều trường học ở Yên Bái triển khai.

Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh ghi nhớ kiến thức một cách sinh động mà còn tạo cơ hội cho các em phát huy khả năng sáng tạo và làm việc nhóm.

Nhiều trường học đã mời các chuyên gia về giao thông, cảnh sát giao thông hoặc các tổ chức phi chính phủ tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông. Những câu chuyện thực tế từ các chuyên gia sẽ giúp học sinh thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân.

Nhiều trường mầm non tổ chức cho học sinh đi thực tế tại các khu vực giao thông đông giúp các em quan sát và trải nghiệm thực tế. Qua đó, giáo viên có thể hướng dẫn các em cách tham gia giao thông an toàn, nhận diện các biển báo và các dấu hiệu nguy hiểm trên đường.

"Việc này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về Luật giao thông mà còn tạo cơ hội cho các em thực hành kỹ năng sống cần thiết", bà Nguyễn Thanh Tư, Hiệu trưởng Trường MN Nậm Khắt (Mù Cang Chải) nói.

Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh có con học lớp 5 tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Bình) chia sẻ: “Trường học đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông, nhưng tôi cũng cố gắng tham gia để hỗ trợ. Tôi khuyến khích con tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông để nâng cao nhận thức của cháu”.

Đức Hạnh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-sinh-ung-xu-co-van-hoa-khi-tham-gia-giao-thong-post727337.html