Khi ChatGPT trở thành 'gia sư' mùa thi cử

Mùa thi đến gần, nhiều học sinh, sinh viên tìm đến ChatGPT như 'gia sư' đắc lực để tra cứu tài liệu, giải bài tập và ôn luyện kiến thức. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ bắt đầu đặt câu hỏi: Làm thế nào để tận dụng công nghệ mà không trở thành nạn nhân của chính sự tiện lợi ấy?

"Gia sư" không chính thức

Vũ Anh Tuấn (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Ban đầu, Tuấn chỉ thử dùng ChatGPT để kiểm tra lại đáp án bài toán nâng cao mình vừa làm. Nhưng dần dần, cậu bắt đầu dựa vào công cụ này nhiều hơn, thậm chí tra cứu cả những bài tập chưa từng đọc kỹ đề. “Có lần chỉ vì đề quá khó, mình dán nguyên văn vào ChatGPT rồi chép kết quả. Nhìn thì dễ, nhưng mình không hiểu gì cả. Sau đó đi thi thử thì làm bài kém hẳn vì không áp dụng được kiến thức”, Tuấn kể.

Tương tự, Nguyễn Trần Ngọc Quyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh (Hà Nội), chia sẻ: “Môn Anh là nỗi sợ của mình. Trước kia mình tự luyện từ vựng, giờ thì tra ChatGPT để nó phân tích từng câu. Nhanh thật, nhưng sau vài tuần, mình thấy khả năng ghi nhớ từ vựng của mình giảm đi rõ rệt vì không phải động não nữa”.

Ngọc Quyên cảm thấy khả năng ghi nhớ từ vựng giảm đi rõ rệt sau khi dùng AI học môn Anh. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Quyên cảm thấy khả năng ghi nhớ từ vựng giảm đi rõ rệt sau khi dùng AI học môn Anh. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ học sinh, nhiều sinh viên đại học cũng đang dựa vào ChatGPT như công cụ học tập không thể thiếu. Nguyễn Trọng Huân, sinh viên năm hai ngành Kỹ thuật xây dựng tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết: “Có những môn học rất trừu tượng như bê tông cốt thép, kỹ thuật thi công… ChatGPT giúp mình hệ thống lại kiến thức dễ hiểu hơn. Thậm chí còn hướng dẫn cách giải những bài lập trình nâng cao mà giảng viên chỉ lướt qua”.

Thế nhưng sau một học kỳ, Huân bắt đầu nhận ra mặt trái của thói quen này: “Mình quen với việc hỏi thì có đáp án ngay, nên dần lười đọc giáo trình và mất khả năng tự suy luận. Lúc thi giữa kỳ mà không có ChatGPT bên cạnh, mình hoang mang thực sự”.

Trọng Huân nhận ra mặt trái của thói quen dùng AI trong học tập sau 1 học kì. (Ảnh: NVCC)

Trọng Huân nhận ra mặt trái của thói quen dùng AI trong học tập sau 1 học kì. (Ảnh: NVCC)

Ngược lại, Nguyễn Thị Bảo Hà, sinh viên ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lại học cách làm bạn với ChatGPT một cách có chọn lọc: “Mình hay dùng AI để gợi ý đề tài viết, hoặc kiểm tra lại cấu trúc câu trong các bài luận tiếng Anh. Nhưng khi viết bài, mình vẫn tự làm rồi mới hỏi ChatGPT góp ý. Nhờ vậy, mình cải thiện được cả tư duy viết lẫn khả năng phản biện”.

Theo Hà, sinh viên đại học phải tự ý thức rõ giới hạn trong việc học. “Nếu coi AI là chiếc nạng, thì sẽ không bao giờ đi vững được. Còn nếu coi nó là bạn đồng hành để học hỏi, thì mới phát huy được lợi ích thật sự”, cô nói.

Nguyễn Tuệ Anh (học sinh Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) lại biết cách khai thác ChatGPT để hỗ trợ học thông minh:

“Mình dùng ChatGPT để luyện đề các môn học thuộc như môn sử và địa, bằng cách yêu cầu AI đặt câu hỏi trắc nghiệm theo từng chuyên đề, sau đó tự làm và nhờ sửa lỗi. Vừa luyện kỹ năng thi, vừa hệ thống hóa kiến thức”, Tuệ Anh nói.

Tuệ Anh sử dụng ChatGPT để ôn thi và học các môn như Lịch sử và Địa lý. (Ảnh: NVCC)

Tuệ Anh sử dụng ChatGPT để ôn thi và học các môn như Lịch sử và Địa lý. (Ảnh: NVCC)

Theo cô nàng, điều quan trọng nhất là kiểm soát việc sử dụng AI. “Mình luôn đặt mục tiêu: Mình là người học, ChatGPT chỉ là công cụ. Mình phải chủ động đặt câu hỏi, phân tích, đối chiếu – chứ không phải sao chép câu trả lời rồi xem như đã học xong”, Tuệ Anh chia sẻ.

Không nên lạm dụng

Bà Nguyễn Thị Cẩm Khuê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh, Hà Nội, nhận định: “AI nói chung và ChatGPT nói riêng là thành tựu lớn trong giáo dục. Nhưng nếu học sinh xem nó như chiếc phao cứu sinh mọi lúc mọi nơi, thì lâu dần sẽ đánh mất kỹ năng tư duy độc lập”.

Bà Khuê cho rằng nhà trường nên đóng vai trò định hướng sử dụng công nghệ cho học sinh. Thay vì cấm đoán, cần dạy các em kỹ năng kiểm tra độ chính xác của thông tin, phân tích đa chiều và biết cách đặt câu hỏi phản biện khi làm việc với AI.

Từ góc nhìn chuyên môn, anh Nguyễn Ngọc Tuyên – chuyên gia AI, lập trình viên web3 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Sotatek cho biết: “AI là công cụ thông minh, nhưng nó không biết bạn là ai, đang học gì, yếu ở điểm nào. Muốn học hiệu quả, con người vẫn phải là người dẫn dắt”.

Anh Nguyễn Ngọc Tuyên. (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Ngọc Tuyên. (Ảnh: NVCC)

Anh Tuyên khuyên học sinh, sinh viên nên kết hợp giữa việc dùng AI để mở rộng kiến thức và rèn luyện khả năng học sâu: “Ví dụ, sau khi ChatGPT giải thích một dạng toán, hãy viết lại cách hiểu của mình bằng lời riêng, làm thêm vài bài tự luyện để thực sự ghi nhớ”, anh nói.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh, Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, ChatGPT, nhận định rằng việc phụ thuộc vào ChatGPT nói riêng hay AI nói chung quá mức có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý học đường:

“Khi học sinh, sinh viên bị áp lực điểm số đè nặng, cộng thêm cảm giác 'AI luôn biết hết, còn mình thì không' dễ dẫn đến mặc cảm, tự ti hoặc stress kéo dài”, ông phân tích.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh. (Ảnh: NVCC)

Theo thạc sĩ, điều cần thiết nhất hiện nay là xây dựng cho học sinh, sinh viên khả năng tự nhận thức – tức là biết rõ năng lực bản thân, giới hạn và nhu cầu học tập của mình. Có như vậy, các em mới sử dụng công nghệ một cách chủ động, tích cực thay vì lệ thuộc.

Trở lại với Anh Tuấn, sau một thời gian tự nhận ra những dấu hiệu tiêu cực, nam sinh đã thay đổi cách học: “Giờ mình chỉ dùng ChatGPT khi gặp câu hỏi thật sự bế tắc, còn lại vẫn cố gắng đọc sách, tự ghi chú và giải bài theo cách riêng. Dù chậm hơn, nhưng mình thấy hiểu bài sâu hơn”, Tuấn khẳng định.

Với Ngọc Quyên, bài học rút ra sau thời gian "đắm chìm" trong AI là: "Học thật tuy vất vả hơn, nhưng giúp mình tự tin hơn mỗi lần bước vào phòng thi. Mình không chỉ nhớ kiến thức, mà còn hiểu mục đích học tập của bản thân là học cho mình chứ không phải để đối phó, học vì điểm số".

"Vậy nên, giữa thời đại công nghệ bùng nổ, câu hỏi đặt ra không phải là 'có nên dùng AI hay không?', mà là 'sử dụng nó như thế nào cho đúng?' – để mỗi học sinh không bị công nghệ dẫn dắt, mà là người cầm lái hành trình tri thức của chính mình, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh kết luận.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-chatgpt-tro-thanh-gia-su-mua-thi-cu-post1734096.tpo