Giúp học trò vững tâm bước vào kỳ thi cuối cấp
Trước yêu cầu của Kỳ thi TN THPT theo CTGDPT 2018, Ngành GD đang tập trung điều kiện, cách thức tổ chức, dạy học tốt nhất cho HS lớp 12.
Đổi mới, nâng chất sinh hoạt chuyên môn
Nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục Thái Nguyên xác định cần làm tốt trong năm học đầu tiên thi THPT theo chương trình mới là nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt quan tâm khối lớp cuối cấp. Trong đó, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ giáo viên, hướng đến yêu cầu đa dạng hình thức, phương pháp tổ chức dạy học là vấn đề then chốt.
Với tinh thần đó, các trường học đã chú trọng đổi mới, nâng chất sinh hoạt chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học, đánh giá theo Chương trình GDPT 2018. Tại Trường THPT Tức Tranh (huyện Phú Lương), với 143 học sinh lớp 12 chủ yếu là con em gia đình điều kiện khó khăn, các thầy, cô giáo xác định nhiệm vụ năm học này khá “nặng nề”.
Để bám sát yêu cầu chương trình mới, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên giảng dạy các môn thi tốt nghiệp trao đổi, thảo luận về phương pháp dạy học mới, định hướng ra đề thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ giảng dạy, kiểm tra đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Tức Tranh nhấn mạnh: “Giáo viên nhiều tuổi có kinh nghiệm, trẻ tuổi thì năng động, sáng tạo. Do đó, để phát huy ưu thế của đội ngũ, giáo viên trong trường đã chủ động học hỏi và hỗ trợ nhau qua việc tổ chức các giờ dạy chuyên đề hằng tuần, với các môn học. Việc dự giờ cũng được nhà trường chú trọng đến mục đích cuối cùng là trao đổi, rút kinh nghiệm, học hỏi và giúp nhau hoàn thiện”.
Là giáo viên môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật tại Trường THPT Tức Tranh, cô Nguyễn Thị Thanh Phận khẳng định, không chỉ học trò mà giáo viên cũng phải nỗ lực rất nhiều. “Những kiến thức mang tính thực tế cao buộc tôi phải tìm hiểu và học hỏi những người đang làm chuyên môn ở lĩnh vực đó ngoài xã hội để nắm bắt thêm. Bên cạnh đó, việc ôn tập không thể chỉ tập trung vào lớp 12, mà phải hệ thống chỉnh thể từ lớp 10 trở lên”, cô Phận chia sẻ.
Đối với Trường THPT Đại Từ (huyện Đại Từ), khối 12 năm học này có 13 lớp với 581 học sinh. Bước vào năm học mới, các tổ chuyên môn đã nhanh chóng ổn định hoạt động dạy học, hằng tuần tổ chức các sinh hoạt chuyên đề để trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất phương thức, nội dung dạy học theo khung chương trình mới.
Để bám sát các yêu cầu, định hướng kiến thức, đề thi kiểm tra đánh giá của Chương trình GDPT 2018, giáo viên bộ môn liên tục tương tác, trao đổi về môn học. Nhờ đó, những băn khoăn khi gặp vấn đề mới phát sinh được kịp thời giải quyết.
Chia sẻ của thầy Phan Vĩnh Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ: Giáo viên dạy khối 12 trao đổi, tư vấn kỹ lưỡng, chi tiết để học sinh, phụ huynh nắm được những vấn đề quan trọng đối với năm học cuối cấp.
“Lượng học sinh đăng ký để ôn tập các môn thi tự chọn có sự chênh lệch, dẫn đến việc sắp xếp, bố trí giáo viên còn khó khăn. Tuy vậy, các thầy cô xác định nỗ lực hết sức, dành sự ưu tiên cao nhất để việc học của trò được đảm bảo”, thầy Thái nhấn mạnh và bày tỏ:
Với hướng đi này và sự tâm huyết của giáo viên từ đầu của năm học nên học sinh khối lớp 12 đã cảm thấy vững tâm để tập trung tốt nhất cho một năm học với kết quả tích cực.
Nắm bắt nguyện vọng học sinh
Bước vào năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Thái Nguyên chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, chủ động. Trên cơ sở này, các trường học trên địa bàn đã chủ động triển khai các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp đặc thù, tình hình thực tế.
Trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên) năm học này có 698 học sinh khối lớp 12. Số lượng học sinh đông, lại là năm học đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, nhà trường đã xác định tập trung các điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Dương Xuân Hải, từ đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để trao đổi, nắm bắt tình hình, điều kiện học tập, mong muốn của mỗi gia đình. Cùng đó, học sinh lớp 12 được hướng dẫn và đăng ký ôn tập các môn theo nguyện vọng.
Các tổ chuyên môn phối hợp với giáo viên được lựa chọn, phân công giảng dạy khối lớp 12 một mặt thực hiện hướng dẫn của ngành, xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; mặt khác tích cực bám sát tình hình thực tế để có phương pháp phù hợp năng lực và nhu cầu của học sinh.
Em Trần Khánh Dung - học sinh lớp 12A13, Trường THPT Lương Ngọc Quyến bày tỏ: Những buổi đầu của năm học mới em cảm thấy còn băn khoăn lo lắng, nhưng sau khi được thầy, cô giáo hướng dẫn và tư vấn, em đã hiểu hơn về yêu cầu cần lưu ý trong học tập để chuẩn bị tốt nhất cho năm học cuối cấp, hướng đến kết quả cao trong kỳ thi cuối năm học.
“Ngoài tập trung vào 2 môn bắt buộc Toán và Văn, em sẽ ôn tập thêm môn Tiếng Anh vì đây là thế mạnh và môn Địa lí - môn em yêu thích”, Khánh Dung chia sẻ thêm.
Trường THPT Võ Nhai (huyện Võ Nhai) năm học này có 6 lớp/245 học sinh khối 12. Các học sinh và gia đình đã được giáo viên trao đổi kỹ trước khi bước vào đầu năm học để biết cách thức ôn tập, thi cử theo chương trình mới. Có sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của giáo viên, học sinh đã tự tin đăng ký ôn tập, trải đều khắp các môn học. Đáng chú ý, một số môn được coi là khó như Tiếng Anh, Lịch sử… được đông học sinh lựa chọn.
“Chúng tôi thường xuyên trao đổi để lắng nghe, hiểu được mong muốn và khả năng, từ đó cung cấp thông tin các em cần biết. Sự sẵn lòng của thầy cô đã giúp học trò cởi mở, tự tin và hào hứng hơn trong học tập. Giai đoạn đầu năm học, cô trò đang cùng nhau tập trung trước hết vào các kiến thức, kỹ năng căn bản bám sát trong chương trình để có nền tảng vững vàng cho kỳ thi cuối cấp”, cô Trần Thị Hường - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Võ Nhai (huyện Võ Nhai) chia sẻ.
Ngành GD Thái Nguyên đang xây dựng chương trình và triển khai tập huấn chuyên môn cho các đơn vị, nhà trường vào tháng 10/2024 để giúp giáo viên nâng cao hiệu quả dạy học hơn nữa, đặc biệt khối lớp 12.
“Chúng tôi xây dựng một số giải pháp cơ bản trong công tác nâng cao chất lượng dạy học cho năm học mới gồm: Đa dạng hình thức và phương pháp tổ chức dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; nâng cao vai trò của Hội đồng chuyên môn cấp THPT, đặc biệt cán bộ chuyên viên phụ trách các bộ môn và phụ trách các đơn vị”, ông Nguyễn Xuân Bách - Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Thái Nguyên nói.