Giúp ngư dân yên tâm bám biển

Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương đi tiêu thụ. Ảnh: ANH NGỌC

Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, chi phí chuyến biển tăng cao nhưng khai thác không đạt hiệu quả nên ngư dân đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Trung ương và tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Khai thác xa bờ gặp khó

Theo Sở NN-PTNT, hiện nhiều tàu cá có sản lượng khai thác không cao, trong khi đó do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên giá bán thủy sản giảm so với trước đây. Ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY91036TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Từ đầu năm đến nay, tàu cá của gia đình tôi khai thác được 6 chuyến biển, trong đó có 2 chuyến khai thác đạt hiệu quả và có lãi (khoảng 100 triệu đồng/chuyến), còn lại 4 chuyến biển chỉ hòa vốn hoặc lỗ chi phí. Hiện nay, nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, nếu ra khơi không gặp luồng cá thì coi như chuyến biển đó ngư dân chắc chắn thua lỗ. Một khó khăn khác đó là vấn đề lao động đi biển, nhiều anh em thợ bạn đã gắn bó với mình nhiều năm nhưng do đánh bắt không hiệu quả nên một số nghỉ việc giữa chừng…

Ngư dân Đặng Nhu, chủ tàu cá PY96778TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho hay: Từ đầu năm đến nay, tàu của tôi đã khai thác được 5 chuyến biển, trong đó có 2 chuyến có lãi từ 50-70 triệu đồng/chuyến, 3 chuyến còn lại hòa vốn. Khai thác hải sản hiện nay khó khăn hơn trước đây rất nhiều, do xăng dầu tăng giá nên chi phí của một chuyến biển cao hơn trước từ 10-15 triệu đồng, trong khi đó giá bán hải sản lại thấp vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.095 tàu cá, trong đó có 692 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, chủ yếu khai thác hải sản ở vùng biển khơi. Sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 32.110 tấn (bằng 97,3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó sản phẩm khai thác biển khoảng 31.980 tấn, riêng cá ngừ đại dương khoảng 1.820 tấn (đạt 98,6% so cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân sản lượng cá ngừ đại dương khai thác không cao là do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, thời tiết trên biển có nhiều bất lợi, đồng thời do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm cho tình hình tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển

Ông Trần Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), cho biết: Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng, nhất là nhóm các loài hải sản tầng đáy. Hiện nay, ngư dân cả nước đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản gặp khó, cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo gỡ nên tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cơ sở hậu cần nghề cá đã được quy hoạch, nhưng nguồn lực để đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tỉnh đang khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, phát huy tối đa lực lượng tàu thuyền khai thác xa bờ, nhất là đội tàu câu cá ngừ đại dương, phấn đấu năm 2021 đạt sản lượng khai thác 62.000 tấn, trong đó khai thác biển đạt 61.500 tấn, khai thác nội địa khoảng 500 tấn. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp khó khăn sớm khôi phục sản xuất; hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, tạo điều kiện nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các địa phương ven biển tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Các địa phương ven biển tiếp tục triển khai chiến lược phát triển thủy sản của địa phương mình, phấn đấu năm 2021 tổng sản lượng thủy sản trong cả nước đạt khoảng 8,5 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 3,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 8,6 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi tình hình an ninh trật tự trên biển để có giải pháp ứng phó kịp thời, tiếp tục phổ biến các chính sách phát triển thủy sản đến các địa phương, tham mưu Bộ NN-PTNT giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh…

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường khai thác để các địa phương nắm tình hình, triển khai đến ngư dân nhằm khai thác có hiệu quả. Các địa phương ven biển tiếp tục triển khai các chính sách phát triển thủy sản, tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân chấp hành nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

ANH NGỌC - QUỲNH NHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/257889/giup-ngu-dan-yen-tam-bam-bien.html