Giúp người bệnh hòa nhập đời thường

Những ánh mắt vô hồn sau song cửa, những nụ cười ngô nghê không cảm xúc, và bao câu nói vô chừng chẳng rõ nghĩa của bệnh nhân tâm thần khiến cho bất kỳ ai chứng kiến cũng xót xa. Người bệnh đến đây vốn dĩ đã mang một vết rạn nứt trong tâm hồn. Họ không còn là chính họ.

 Đại tá, BS Nguyễn Đình Phước, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam thăm khám cho bệnh nhân.

Đại tá, BS Nguyễn Đình Phước, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam thăm khám cho bệnh nhân.

Và để đưa người bệnh trở về với cuộc sống đời thường, hòa nhập với cộng đồng, các y sĩ, bác sĩ của Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam, Bệnh viện Quân y 120, Cục Hậu cần (Quân khu 9) đã mất biết bao công sức, tâm huyết bởi đó không phải là chuyện dễ dàng.

"Nhập vai" cùng người bệnh

"Sao không vào phòng nằm nghỉ, trưa nắng chang chang ra đây làm gì?". "Ra đây dượt lại mấy thế võ cho giãn gân, giãn cốt. Bác sĩ rảnh không, dượt chúng với em vài đường nghe". "Thôi, bây giờ mệt rồi, vào ngủ trưa đi, lấy sức rồi chiều ra dượt tiếp". Cuộc nói chuyện giữa Đại tá, Bác sĩ (BS) chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Đình Phước, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam với một bệnh nhân nữ gói gọn chỉ mấy câu. Nữ bệnh nhân nở nụ cười có vẻ ngây ngô rồi bước đi về phòng.

Vừa bước sang phòng bên cạnh, thấy BS Phước, một bệnh nhân nam độ hơn 70 tuổi, thân thể gầy gò, gương mặt xanh nhợt đang nằm trên giường cố gượng dậy than thở: "Sáng giờ đi làm mệt quá, kêu vợ mua cho mấy xị rượu mà nó cũng không chịu, bác sĩ mua giùm tui nghe". "Thôi, đi làm mệt thì nằm nghỉ, uống thuốc cho khỏe chứ uống rượu hoài biết khi nào mới hết bệnh về nhà"? BS Phước vừa đỡ bệnh nhân nằm xuống vừa động viên. Cứ như vậy, mỗi phòng bệnh, BS Phước ngoài kiểm tra sức khỏe, hỏi thăm người nhà về chuyển biến bệnh tình của từng người, còn phải "nhập vai" nhẹ nhàng khuyên nhủ bệnh nhân.

Gần 40 năm gắn bó với Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam, BS Phước chẳng nhớ nổi mình đã "nhập" bao nhiêu "vai" để hòa nhập với người bệnh, tìm ra nguyên nhân tác động dẫn đến bệnh tình và có hướng điều trị phù hợp cho từng người. "Như cô bé lúc nãy chỉ mới 25 tuổi, quê ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Do cuộc sống vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, buồn chán, suy nghĩ nhiều rồi phát bệnh, ngày nào cũng ra sân múa võ, mệt thì vô nằm ca hát. Còn ông cụ phòng bên ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, do "vướng" chuyện làm ăn không suôn sẻ, uống rượu quá mức dẫn đến loạn thần, nói lảm nhảm suốt ngày. Mỗi một hoàn cảnh của bệnh nhân ở đây luôn gắn liền với biết bao câu chuyện thương tâm. Có thể do một cú sốc tinh thần nào đó, hay buồn chán, bị stress âm ỉ lâu ngày rồi phát bệnh. Khi tiếp nhận, điều quan trọng là mình phải hiểu rõ tình trạng bệnh tình lúc ở nhà, yếu tố nào đã tác động gây nên. Muốn như vậy thì việc của bác sĩ là phải "nhập vai" vào câu chuyện của của họ, nhập vai càng đạt thì nguyên nhân sẽ rõ ràng hơn, việc chữa trị mới tiến triển mới tốt được", BS Phước giải thích cho tôi nghe.

Với người "lạ" như tôi quả thật bất ngờ, nhưng các y sĩ, bác sĩ ở đây thì đã quen trước những câu hỏi "hóc búa" của bệnh nhân: "Trời hôm nay mấy độ, bác sĩ?". "Hổm rài sao không mưa?". "Sao bác sĩ mặc đồ trắng?"... Đại úy, BS Nguyễn Thị Hồng Thắm dẫn tôi đến phòng của một bệnh nhân nữ đang điều trị tại đây. Vừa thấy bác sĩ Thắm, bệnh nhân nói thấy trong người đau nhức, mệt mỏi, hoa mắt muốn ngất xỉu. Khuôn mặt nhợt nhạt của bệnh nhân khiến tôi lo lắng. BS Thắm nói nhỏ trấn an: "Không có gì đâu. Đây là trường hợp bị rối loạn lo âu (thấy ai bệnh gì thì nghĩ mình bị bệnh như vậy - PV)". Và sau khi "nhập vai" - ngồi nghe và chia sẻ về "triệu chứng" bệnh tình, BS Thắm khuyên: "Sau khi uống thuốc, nằm nghỉ ngơi, hít thở thật sâu và chỉ chú ý đến hơi thở, đừng suy nghĩ chuyện khác sẽ ngủ được, khỏe hơn, bệnh mau hết".

Rời khỏi phòng bệnh, thấy tôi ngơ ngác, BS Thắm mỉm cười giải thích thêm: "Ở đây rất nhiều đối tượng bệnh, như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn phân li, loạn thần do rượu, tâm thần phân liệt... Mỗi đối tượng bệnh nhân khác nhau, mình phải nhập vai để đồng cảm, chia sẻ, như vậy thì bệnh nhân mới tin và nghe lời, việc điều trị mới có kết quả".

 Giờ sinh hoạt, vui chơi của các y, bác sĩ cùng các bệnh nhân.

Giờ sinh hoạt, vui chơi của các y, bác sĩ cùng các bệnh nhân.

Vui, buồn cùng bệnh nhân

Điều mà ai cũng biết là khi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần mối nguy hiểm luôn rình rập, bởi họ không làm chủ được hành vi của mình. BS Phước kể cho tôi nghe trường hợp của ông Lê Văn Si ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khi phát bệnh ông kéo dây điện gài kín lối ra vào căn phòng của mình, cố thủ mấy tuần liền không cho ai đến gần. Đến bữa cơm thì người nhà đem để trước cửa phòng. Bí quá gia đình phải nhờ đến lực lượng công an đưa ông vô đây. Mỗi lần lên cơn, ông Si la hét, đập phá và đánh cả bác sĩ. Người nhà, bảo vệ và bác sĩ của khoa khó khăn lắm mới khống chế được và chích thuốc an thần, cách ly để ông qua cơn. BS Phước tháo cặp kính chỉ cho tôi xem vết sẹo khá dài bên mắt phải. "Trong một lần thăm khám, bất ngờ bệnh nhân lên cơn đấm thẳng vào mắt tôi. Tròng kính vỡ ra đâm rách thịt, may mà không trúng mắt. Ở đây, việc bác sĩ bị bệnh nhân chửi bới, rượt đánh là chuyện bình thường". BS Phước trải lòng.

Theo BS Phước, người bị tâm thần có nhiều triệu chứng như nói năng lung tung hoặc có cảm giác bị ai chửi bới, đe dọa, nhạo báng; nhưng nguy hiểm nhất là hoang tưởng - cứ tưởng tượng ra những chuyện không có thật. Nhiều bệnh nhân còn tìm cách tự tử hoặc sát thương người khác khi lên cơn ảo giác trong vô thức.

Khó khăn lớn nhất mà các y sĩ, bác sĩ gặp phải là người nhà ít khi nói thật về tình trạng bệnh tình của bệnh nhân tâm thần trước khi nhập viện, nên việc điều trị khá gian nan. Mất thời gian tương đối dài bác sĩ mới tiếp cận và trò chuyện thường xuyên với đủ cách thức, phương pháp nhằm "moi" thông tin từ người bệnh, vận động cả thân nhân của họ nói thật tình trạng của người thân mình. Vì người bệnh tâm thần, ngoài điều trị bằng thuốc thì liệu pháp tâm lý vô cùng quan trọng. Bác sĩ như một chuyên gia tâm lý chữa lành vết thương tinh thần cho họ. "Có người bảo, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tôi không nghĩ vậy. Khó với những ai không yêu nghề, không cảm nhận được nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn của bệnh nhân, chưa thấu hiểu được sự dày vò trong tâm trí của họ. Hãy xem họ như chính người thân của mình thì chúng ta sẽ làm được tất cả, có như thế thì mới giúp bệnh nhân sớm hòa nhập với đời sống cộng đồng được". BS Phước nói.

Trong những ngày ở đây, dẫu ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được sự khó nhọc, gian nan trong việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần. Cuộc trò chuyện giữa bệnh nhân và bác sĩ đôi khi là những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại chẳng đầu chẳng đuôi, rồi đến những lời mắng chửi vô chừng; khi lên cơn bệnh nhân vô cùng hung hãn có thể tấn công bác sĩ bất cứ lúc nào; lại có nhiều khi hờn giận vu vơ chờ được vỗ về... Điều đó không làm các y sĩ, bác sĩ khó chịu. Ngược lại, đó là sự cảm thông, sẻ chia, an ủi, động viên; nhiều lúc là phần cơm, hộp sữa trao tặng bệnh nhân khi người nhà chưa lên kịp.

Đại úy, BS Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, khi về mới về khoa, trong lòng cứ thấp thỏm vì sợ bị... đánh; thời gian sau lại tập thích nghi trước những lời chửi bới, dọa nạt của bệnh nhân. "Bệnh nhân tâm thần đôi lúc như những đứa trẻ, thích nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm vì có ai ý thức được được gì đâu. Nhiều khi thấy họ như vậy mà lòng mình quặn thắt. Xót xa hơn khi có gia đình ba người thì hai người mắc bệnh. Nhà nghèo, dẫu biết bệnh tình của người thân nhưng không có tiền điều trị, khi đã quá nặng mới đến đây. Có người bị tâm thần khi đang mang thai, quá trình điều trị có thể ảnh hưởng đến đứa bé. Xót xa hơn khi bệnh nhân mang thêm trong người căn bệnh ung thư giai đoạn cuối... Đau lòng lắm, nhưng biết làm sao được. Tôi cũng như các đồng nghiệp cũng chỉ giúp đỡ được họ trong khả năng của mình - có thể là một ít tiền để trang trải hay động viên gia đình cố gắng còn nước còn tát và hết lòng chữa trị khi còn có thể!". - BS Thắm xúc động nói.

Khoa Tâm thần kinh Quân đội phía Nam, Bệnh viện Quân y 120 là tuyến cuối của Quân khu 9, lượng bệnh nhân rất đông, nên đội ngũ y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý rất vất vả trong chăm sóc và điều trị. Bệnh nhân đến đây không ai nhớ hết, chỉ biết rằng khi ra viện đa phần đều hòa nhập với cộng đồng, sinh hoạt, làm việc bình thường. Hôm tôi đến cũng là lúc ông Lâm Thanh Di đến thăm các y sĩ, bác sĩ tại khoa. Ông Di vừa ra về, BS Phước nói với tôi: "Trước đây con ông Di điều trị tại đây, giờ đã khỏi. Gia đình hiện định cư ở nước ngoài. Mỗi lần về nước thăm người thân ở Tiền Giang, ông Di đều đến thăm hỏi, động viên anh em của khoa. Vui lắm! Niềm vui của chúng tôi chỉ có vậy. Điều mà chúng tôi mong mỏi và luôn cố gắng là bằng mọi giá, những bệnh nhân tâm thần điều trị tại đây sớm trở lại cuộc sống bình thường".

Còn bà Trần Thanh Bê ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vui mừng nói với tôi khi được hỏi về bệnh tình của chồng mình: "Chồng tui trước đây chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Cách vài ngày là ổng lên cơn đập đồ đạc, nếu không thì cũng đánh tui. Ba lần ổng châm lửa đốt nhà rồi, may mà tui phát hiện kịp. Tui đưa ổng đi nhiều nơi điều trị lắm rồi mà không khỏi. Vô đây cũng hơn một tháng, bệnh tình ổng đã thuyên giảm nhiều. Bác sĩ vất vả với chồng tui dữ lắm. Có điều lạ là bác sĩ nói ổng nghe chứ không như hồi trước, chịu uống thuốc đều đặn nên cũng hết lên cơn, vài bữa nữa là được xuất viện rồi".

Ánh mắt mừng vui của bà Bê như ánh ban mai ngập tràn trong khuôn viên của khu nhà điều trị. Nơi đây, mỗi sáng luôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát với những vòng tròn tay quyện chặt vào nhau trong giờ sinh hoạt, vui chơi. Những cánh tay của các y, bác sĩ và người bệnh như nối dài thêm bao hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bệnh nhân tâm thần. Nẻo về của họ rồi sẽ rộng mở hơn, tươi mới hơn, như ánh nắng sớm sáng nay tôi nhìn thấy.

Bài, ảnh : THẾ HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/giup-nguoi-benh-hoa-nhap-doi-thuong-576231