Giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
Trẻ em khuyết tật huyện Phú Hòa được tặng đồ dùng học tập. Ảnh: KIM CHI
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật (NKT) được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 26.749 NKT. Trong đó NKT nam 13.437 người, NKT nữ 13.312 người với nhiều dạng tật. Nguyên nhân khuyết tật thì có nhiều như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, do thiên tai, bão lụt, bệnh tật…, song chiếm tỉ lệ cao nhất đó là do hậu quả của chiến tranh, bị nhiễm chất độc hóa học.
Xóa bỏ mặc cảm, tự ti
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Nhìn chung, đời sống của những NKT còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn thuộc các gia đình nghèo, ở khu vực nông thôn, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, điều kiện đi lại khó khăn. Mặt khác, do bệnh tật, sức khỏe giảm sút, một bộ phận NKT không có khả năng lao động hoặc có khả năng nhưng khó tìm được việc làm phù hợp, thu nhập bấp bênh, đa số phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân.
Trong thời gian qua, các ngành, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội; khuyến khích NKT tham gia học nghề để tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cuộc sống. Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp cấp thẻ BHYT trên 95% NKT nặng và đặc biệt nặng. Hàng năm, Phòng Bảo trợ xã hội đều lập danh sách số trẻ em bị dị tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch để khám sàng lọc, phân loại, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng; phối hợp với các đơn vị tài trợ, các tổ chức trợ giúp NKT cung cấp hàng ngàn dụng cụ trợ giúp cho NKT như: xe lăn, xe lắc, chân tay giả phục hồi chức năng… giúp NKT trên địa bàn tỉnh hạn chế những khó khăn trong vận động, đi lại. Đồng thời tổ chức các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể thao... tạo sân chơi vui tươi, bổ ích, lành mạnh để NKT có cơ hội thể hiện năng lực và niềm đam mê, giúp họ sống lạc quan, vượt qua mặc cảm, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Hồng Công ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, bị khuyết tật bẩm sinh. Hiện nay, anh mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh Công cho biết: “Vì khuyết tật nên lúc nhỏ tôi hay mặc cảm với bạn bè. Sống ở thôn quê không có nhiều việc làm nên cuộc sống rất khó khăn. Mấy năm qua, nhờ các cấp chính quyền hỗ trợ xe lăn, tiền trợ cấp nên cuộc sống cũng tạm ổn. Hiện nay, tôi theo bạn bè vào TP Hồ Chí Minh bán vé số mưu sinh”.
Anh Dương Văn Lập, 55 tuổi, ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, khi đi giám định khuyết tật năm 2019, tỉ lệ 65%, thuộc dạng khuyết tật nặng. Anh chia sẻ: “Bẩm sinh tôi bị khuyết tật ở chân trái, đi lại rất khó khăn. Trước đây tôi có biết may vá chút ít, có thể sửa quần áo cho người thân trong nhà. Nhờ Nhà nước hỗ trợ học nghề, hiện tôi có nghề may và tự tạo việc làm, có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”.
Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm
Cũng theo Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) Đinh Viết Hậu, với mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, trong giai đoạn 2021-2030 tỉnh phấn đấu hàng năm có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 200 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. Trên 50% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
Bên cạnh những giải pháp trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, trợ giúp giáo dục, y tế... tỉnh cũng phấn đấu trong giai đoạn mới có trên 600 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; trên 30% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 90% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định (riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh là 40%).
“Toàn tỉnh phấn đấu đưa tỉ lệ NKT được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 50% tỉ lệ chung cả nước. Đồng thời thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao dành cho NKT nhằm thu hút 20% NKT tham gia tập luyện. Có ít nhất 20% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật. Thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng. Trên 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau”, ông Đinh Công Hậu cho biết thêm.
Theo Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu chung trong giai đoạn này là thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của NKT và Luật NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình. Giai đoạn 2021-2025: Hàng năm khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 50.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.