Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Qua đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm tại xã Cao Kỳ (Chợ Mới).
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật
Từ đầu năm nay, HTX Phúc Ba (xã Quảng Khê, Ba Bể) đã trồng thử nghiệm cây dưa lưới. Trước đó, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020, HTX được hỗ trợ 300 triệu đồng, các thành viên đối ứng kinh phí để xây dựng hệ thống nhà lưới trồng rau, củ, quả với tổng giá trị khi hoàn thiện gần 1 tỷ đồng.
Ông Lý Phúc Ba- Giám đốc HTX cho biết: Với diện tích 3.000m2, vụ dưa đầu tiên, chúng tôi trồng 7.000 gốc. Sau khoảng 3 tháng, dưa được thu hoạch, mỗi quả đạt trọng lượng trung bình 1,5kg. Từ vụ thứ 2 trở đi, để thuận lợi cho việc tiêu thụ, HTX tiến hành trồng rải vụ, mỗi lứa trồng khoảng 2.000 gốc, thời gian giãn cách khoảng 2 tháng/lứa, như vậy vừa giảm được công chăm sóc, lại có sản phẩm bán ra thị trường thường xuyên, tạo nguồn thu đều đặn. Vụ đông, HTX tập trung trồng các loại rau sạch, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm của ông Nguyễn Tiến Lực- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tổng Sâu (xã Cao Kỳ, Chợ Mới) cũng mở ra hướng đi triển vọng. Tháng 9/2019, ông Lực cùng 4 hộ khác trên địa bàn đăng ký thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ, trong đó liên kết cung ứng sản phẩm đầu ra cho HTX Bình Hà (Thái Nguyên). Ông Lực chia sẻ: Thỏ là loại vật nuôi khá mới mẻ đối với nhiều hộ dân. Để chăn nuôi hiệu quả, phải áp dụng đúng kỹ thuật, đầu tư hệ thống chuồng trại có máy móc, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ theo mùa để đàn thỏ phát triển ổn định, khỏe mạnh. Hiện chúng tôi chăn nuôi theo tiêu chuẩn Nhật Bản, thỏ thương phẩm khi xuất bán phải đạt các yêu cầu như: Không có dư lượng kháng sinh, trọng lượng chỉ từ 2 - 2,3kg/con. Mỗi năm Tổ hợp tác xuất bán khoảng 5 tấn thỏ thương phẩm, thu về khoảng 400 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, những loại vật nuôi, cây trồng mới cho giá trị kinh tế vượt trội xuất hiện ngày càng nhiều, như: Mô hình chăn nuôi dúi của bà Nguyễn Thị Ngoan ở xã Phúc Lộc (Ba Bể) quy mô gần 1.000 con; mô hình chăn nuôi chim bồ câu của bà Nông Thị Liệu ở xã Cao Kỳ (Chợ Mới) với số lượng gần 400 con; mô hình trồng nho Hạ Đen của chị Triệu Thị Nga ở xã Thượng Quan (Ngân Sơn), anh Hà Văn Cầm ở xã Hà Hiệu (Ba Bể); mô hình trồng dâu tây của HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường (Chợ Đồn); mô hình cung cấp giống dâu tây của anh Nông Văn Thành xã Hiệp Lực (Ngân Sơn); trồng dưa lê, dưa lưới Hàn Quốc tại HTX Dương Quang (TP. Bắc Kạn)...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, sử dụng phân bón, cải tạo đất nông nghiệp... với hơn 2.700 lớp cho gần 147.000 lượt hội viên. Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 2.842 lao động nông thôn, số lao động có việc làm là 1.143 người. Nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết với với thực hành, giúp hội viên có thêm kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức, quy trình trồng trọt, chăn nuôi an toàn, hiệu quả...
Liên kết để sản xuất bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW ngày 27/7/2020 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025", các cấp Hội đã tập trung vận động, hướng dẫn nông dân hưởng ứng tham gia. Đồng thời triển khai các chương trình, dự án xây dựng mô hình điểm như: Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến miến dong” tại xã Yến Dương (Ba Bể), tập huấn kỹ thuật trồng dong riềng cho 20 hộ, hỗ trợ mua dây chuyền tráng miến cho HTX trị giá 130 triệu đồng; 02 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó: HTX Hoàng Huynh (xã Khang Ninh, Ba Bể) được hỗ trợ 02 máy sấy chuối trị giá 250 triệu đồng; HTX Tân Dân (TP. Bắc Kạn) được hỗ trợ dây chuyền sấy hơi nước công nghệ cao trị giá 500 triệu đồng...
Hội đã trực tiếp hướng dẫn thành lập mới 28 HTX, 207 THT; 48/108 cơ sở Hội xây dựng được mô hình kinh tế tập thể. Các HTX, THT bước đầu hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Một số HTX có sự liên kết, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.
Đồng chí Hoàng Thị Ngọc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Yến Dương (Ba Bể) cho biết: Sau khi hướng dẫn thành lập, Hội thường xuyên kiểm tra, thắm nắm tình hình hoạt động, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho tổ trưởng THT về những nội dung như: Chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường, phương pháp và kỹ năng quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp kết nối thị trường, xây dựng đề xuất dự án, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm...
THT trồng dong riềng hữu cơ Lủng Vai, xã Côn Minh (Na Rì) liên kết với HTX Tài Hoan cung ứng nguyên liệu.
Để tạo tiền đề cho việc thành lập các THT, HTX, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp được Hội Nông dân các cấp triển khai và nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 39 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 330 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, các cấp Hội đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong nửa nhiệm kỳ nguồn vốn tăng hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này tập trung cho các thành viên, hội viên THT, chi, tổ hội nghề nghiệp vay để triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện nay, có 13/18 chỉ tiêu của Hội đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao như: Tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết đạt 175%; dạy nghề cho hội viên đạt 315,8%; vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 135,3%…
Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp hội viên. Đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Vận động hội viên đẩy mạnh cơ giới hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường.../.