Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Dự án 'Hỗ trợ Kinh doanh cho nông hộ' (SCCP) được triển khai tại huyện Na Rì những năm qua đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo ở địa phương.

Lũng Hán là xóm khó khăn nhất ở thôn Nà Cà, xã Đổng Xá, nơi chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường giao thông kiên cố. Trước đây, cái nghèo bủa vây cuộc sống người dân, thế nhưng đồng bào Nùng ở Lũng Hán hôm nay đã biết đến sự ấm no khi họ cùng nhau thành lập tổ trồng gừng. Tổ có 9 thành viên được thành lập từ năm 2019 và duy trì hoạt động đến nay nhờ có sự liên kết về đầu ra sản phẩm với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI. Từ trồng gừng, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Lèo Văn Chắn, thành viên Tổ hợp tác trồng gừng thôn Nà Cà chia sẻ: Trước đây tôi và các hộ dân trong thôn đã biết trồng gừng, nhưng số lượng ít, chủ yếu để phục vụ gia đình. Từ khi xã vận động tham gia Tổ trồng gừng, được Dự án CSSP hỗ trợ và có sự liên kết về đầu ra, bà con nhiệt tình hưởng ứng, coi đây là cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Chúng tôi được hỗ trợ một khoản vốn, còn lại 9 thành viên đối ứng mỗi hộ hơn 11 triệu đồng để quay vòng sản xuất. Trước khi tham gia dự án, nhiều hộ nghèo đã quen với việc được hỗ trợ mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện gì nên hiệu quả các mô hình không cao. Khi phải tự mình chắt chiu từng đồng vốn để đối ứng đã thôi thúc chúng tôi phải sản xuất sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại như trước... Mỗi năm, gia đình tôi trồng 0,5ha gừng, thu được hơn 15 tấn gừng non, với giá 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

 Dự án CSSP tại huyện Na Rì khuyến khích người dân phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Dự án CSSP tại huyện Na Rì khuyến khích người dân phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Với diện tích hằng năm trên 50ha, cây thạch đen đã và đang giúp nhiều hộ dân xã Văn Vũ nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Để phát huy tốt tiềm năng phát triển cây thạch đen, Dự án CSSP đã hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác.

Đồng chí Đàm Văn Thảo- Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Vũ cho biết: Xã được Dự án CSSP tư vấn, hỗ trợ nguồn vốn, duy trì hoạt động 11 tổ hợp tác trồng thạch đen, mỗi tổ từ 10-15 thành viên. Khi tham gia sản xuất theo tổ, người dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất, nhờ đó năng suất cây trồng cao hơn. Kết quả đánh giá năng suất cây thạch đen của các tổ hợp tác đạt 10 tấn/ha, cao hơn khoảng 2 tạ/ha so với việc mạnh ai nấy làm như trước đây.

Dự án CSSP triển khai trên địa bàn huyện Na Rì từ năm 2017 đã mang đến một cách tiếp cận mới trong giảm nghèo đó là trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, phát huy nội lực của từng cá nhân. Dự án giúp người dân thành lập các nhóm đồng sở thích, thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất theo tổ, nhóm.

Điểm đặc biệt trong phương thức hỗ trợ của Dự án là không hỗ trợ 100% vốn. Mỗi tổ, nhóm sẽ được hỗ trợ một khoản vốn ban đầu, số còn lại các thành viên trong tổ phải cùng nhau đóng góp để đối ứng tạo thành quỹ chung để cho vay quay vòng mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, mỗi tổ hợp tác được thành lập phải có từ 8 đến 15 thành viên, Dự án hỗ trợ 75 triệu đồng/tổ, các thành viên đóng góp đối ứng 100 triệu đồng.

Sau hơn 4 năm triển khai, trên địa bàn 8 xã thuộc vùng Dự án (Liêm Thủy, Xuân Dương, Đổng Xá, Quang Phong, Trần Phú, Cư Lễ, Sơn Thành, Văn Vũ) đã có 124 tổ hợp tác được thành lập với các mô hình như: Trồng gừng ở Đổng Xá; trồng thạch đen ở Văn Vũ; trồng hồng không hạt ở Xuân Dương, Sơn Thành; nuôi lợn bản địa ở Trần Phú; nuôi trâu vỗ béo xã Quang Phong… Nhờ đó đã giúp 605 hộ thoát nghèo và 413 hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đồng chí Lương Thanh Lộc- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Điều phối Dự án CSSP huyện Na Rì cho biết: Qua hơn 4 năm triển khai, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Dự án CSSP đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát huy hiệu quả Dự án, thời gian tới huyện tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất hiện có, phát triển các tổ, nhóm nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, khí hậu và lao động địa phương./.

Đồng Lai

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/giup-nong-dan-thay-doi-tu-duy-san-xuat-8052f0f/