Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống

Sau gần 6 năm thành lập, Trung tâm Sao sáng Sơn La, phường Quyết Thắng, Thành phố, đã trở thành điểm tựa trong các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp, chăm sóc trẻ khuyết tật, tăng động giảm chú ý, rồi loạn phát triển... Các liệu trình tại Trung tâm này đã giúp trẻ khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm bố trí xe đưa, đón miễn phí cho một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Trung tâm bố trí xe đưa, đón miễn phí cho một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, Trung tâm bố trí xe đón 12 trẻ khuyết tật ở xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ về can thiệp, điều trị miễn phí. Là một trong các phụ huynh đang có con điều trị ở đây, chị Lò Thị Biển, xã Chiềng Cọ, tâm sự: Con gái tôi sinh năm 2018, khi cháu gần 2 tuổi không có phản ứng khi có người khác gọi, không biết thể hiện nhu cầu khi giao tiếp… Với sự hỗ trợ, can thiệp của giáo viên, đến nay, con tôi đã biết diễn tả nhu cầu của mình. Gần 2 năm can thiệp, con tôi được Trung tâm miễn phí toàn bộ chi phí ăn, học và đi lại. Gia đình cảm ơn hỗ trợ của Trung tâm, mong rằng nhiều trẻ có khiếm khuyết như con tôi được giúp đỡ.

Em Tòng Tùng Bách, xã Hua La, khi chưa được can thiệp tại Trung tâm, em không biết nói. May mắn, qua một người bạn, chị Lường Thị Tâm (mẹ của Bách) đã đưa con đến Trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ. Đến nay, sau gần 1 năm can thiệp tích cực, Bách đã nói được và biết chia sẻ đồ chơi với các bạn khác. Chị Tâm phấn khởi nói: Con không biết nói, gia đình rất lo lắng. Bây giờ con đã biết gọi bố, mẹ, ông bà, cả nhà rất vui mừng. Để con sớm hòa nhập cộng đồng, gia đình tiếp tục cho con can thiệp tại đây.

Các giờ học can thiệp đều có sự đánh giá, theo dõi.

Các giờ học can thiệp đều có sự đánh giá, theo dõi.

Theo chia sẻ của các cô giáo dạy trẻ chuyên biệt, việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là một hành trình gian nan, đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Có thể mất nhiều thời gian mới có thể dạy trẻ học được một con chữ hay làm một phép cộng đơn giản, nhưng chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của trẻ là niềm hạnh phúc khó đong đếm của giáo viên nơi đây.

Chị Mè Thị Hóa, giáo viên Trung tâm, chia sẻ: Tâm trạng phụ huynh khi đưa các con đến đây, hầu hết đều lo lắng và không tránh khỏi tâm lý bi quan, tuyệt vọng vì đã chạy chữa nhiều nơi cho con mà không có kết quả. Nhiều trẻ khi đến can thiệp tại cơ sở không chỉ mắc chứng tự kỷ mà còn tăng động, kém tập trung. Do vậy, quá trình dạy trẻ, chúng tôi phải phối hợp với phụ huynh để nắm bắt tâm lý, từ đó lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp.

Một giờ can thiệp của trẻ tại Trung tâm.

Một giờ can thiệp của trẻ tại Trung tâm.

Hiện nay, Trung tâm có 10 giáo viên, với 50 trẻ đang theo học và can thiệp. Giúp trẻ can thiệp hiệu quả, các giáo viên thường xuyên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Đặc biệt, là việc can thiệp cho trẻ được chia theo mức độ loại tật như: Chậm nói, tăng động, tự kỷ, rối loạn về phát triển nhận thức...

Chị Trần Thị Tuyết, quản lý Trung tâm, thông tin: Lâu nay trẻ tự kỷ, chậm phát triển vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chính do hiểu biết của cha, mẹ về vấn đề này còn hạn chế. Một số gia đình có tâm lý giấu bệnh, không cho con đi can thiệp, làm cho trẻ tự kỷ vốn dĩ khó hòa nhập lại càng bị cô lập hơn trong cộng đồng nói chung và môi trường giáo dục phổ thông nói riêng. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ phải có chương trình phù hợp, nhiều học liệu đặc biệt, chi phí giáo dục cũng cao hơn so với các môi trường giáo dục khác.

Cũng theo chị Tuyết, biểu hiện của chứng tự kỷ không rõ ràng nên không phải cha mẹ nào cũng có thể nhận biết được. Do đó, khi phát hiện con có các biểu hiện bất thường, như: Khả năng tương tác xã hội kém; có hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại... thì phụ huynh nên đưa trẻ tới các bệnh viện hoặc cơ sở, trung tâm chuyên biệt để kiểm tra và được tư vấn chính xác thực trạng con em mình. Cùng một hội chứng tự kỷ, song các trẻ tự kỷ lại khác nhau, cách chăm sóc và can thiệp trị liệu cũng hoàn toàn khác nhau. Với phương pháp can thiệp phù hợp cho từng đối tượng nên sau một thời gian được chăm sóc, hỗ trợ điều trị của các giáo viên, rất nhiều trẻ bị khiếm khuyết thần kinh đã có sự thay đổi rõ rệt so với những ngày đầu.

Một giờ hoạt động theo nhóm của trẻ ở Trung tâm.

Một giờ hoạt động theo nhóm của trẻ ở Trung tâm.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm can thiệp và trị liệu cho 400 trẻ, tỷ lệ học sinh hòa nhập đạt từ 25%-30%. Hằng năm, Trung tâm can thiệp miễn phí từ 5 - 12 trẻ khiếm khuyết thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thành phố. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập; giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ tự kỷ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao quà cho trẻ em đang can thiệp tại Trung tâm.

Lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao quà cho trẻ em đang can thiệp tại Trung tâm.

Để đồng hành với trẻ, Trung tâm rất cần sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong tạo môi trường thân thiện; khuyến khích trẻ làm điều mình thích. Trung tâm cũng rất mong nhận được quan tâm của nhà hảo tâm để nhiều trẻ khuyết tật được trị liệu miễn phí, sớm hòa nhập cộng đồng. Tin rằng, với những liệu trình hỗ trợ can thiệp riêng, Trung tâm Sao sáng Sơn La sẽ mang đến những hy vọng cho trẻ và gia đình có con mắc khiếm khuyết về các rối loạn phát triển, sớm hòa nhập xã hội và trưởng thành như bao trẻ bình thường khác.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/giup-tre-khuyet-tat-hoa-nhap-cuoc-song-ThKwWfDSR.html