Giúp trò chọn 'ngã rẽ' phù hợp
Các nhà trường THCS tại Hải Phòng còn tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp để học sinh lớp 10 có định hướng rõ ràng về con đường tương lai.
Hiểu để giúp trò
Khi được hỏi về định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con, chị Hoàng Thị Minh Thu (42 tuổi) có con trai đang học lớp 9 trên địa bàn quận Dương Kinh, TP Hải Phòng chia sẻ: Gia đình mong muốn con học lên lớp 10 THPT, sau khi tốt nghiệp muốn học gì, làm gì thì mới tính đến. Nhưng con trai rất cá tính và nằng nặc xin bố mẹ đăng ký học nghề du lịch ở một trường cao đẳng. Ban đầu, không khí gia đình khá căng thẳng bởi chuyện học gì, làm gì sau THCS. Bố cháu cho rằng bàn đến chuyện làm nghề sau lớp 9 là quá sớm, con còn non nớt, chưa thể hiểu biết đầy đủ để quyết định hướng đi cho mình. Vì thế, lựa chọn tốt nhất nên bước tiếp vào THPT, rồi tính sau. Nhưng để giữ tinh thần thoải mái cho con trong năm cuối cấp nên vợ chồng bàn nhau, để động viên con dần dần.
Trường THCS Đa Phúc nằm trên địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn của quận Dương Kinh, TP Hải Phòng. Năm học này, trường có 745 học sinh trong đó có 190 học sinh lớp 9. Tỷ lệ học sinh đăng ký thi THPT trên 70%, còn lại gần 30% học sinh chọn loại hình khác.
Theo cô Lê Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, phân luồng, định hướng cho học sinh THCS là nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường trong thực hiện kế hoạch năm học. Năm học này thực hiện công văn của sở GD&ĐT, nhà trường đã xây dựng công tác hướng nghiệp, phân luồng tư vấn định hướng cho học trò, nhất là các em lớp 9. Công tác này được giao cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện qua các giờ sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ và giáo viên các bộ môn lồng ghép trong tiết dạy.
Trên địa bàn phường Đa Phúc không có công ty, xí nghiệp nên nhà trường kết hợp với các trường nghề như: Trung cấp nghiệp vụ Công nghiệp, Thủy sản, Cao đẳng Giao thông Vận tải, Cao đẳng Hàng hải đến tư vấn và đón đưa học sinh đi thăm quan mô hình học tập.
Cô Lê Thị Kim Thanh nhìn nhận: Phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp là một quá trình cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo địa phương; phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Công tác này cũng không thể làm ngày một, ngày hai mà phải làm thường xuyên, dài hơi mới có thể giúp học trò có suy nghĩ đúng đắn, nội lực tích cực đưa ra chọn lựa phù hợp. Học tiếp THPT là con đường mà đa số học sinh sau THCS nghĩ đến, đó là hướng đi tất nhiên nhưng thầy cô, gia đình cũng cần lắng nghe và thấu hiểu học trò xem năng lực ra sao và sở trường là gì để tư vấn cho phù hợp.
Trường THCS Hưng Đạo, Dương Kinh, TP Hải Phòng nghiên cứu phân luồng và định hướng nghề cho học sinh, nhất là học sinh lớp 9 ngay từ đầu năm học. Cô Ngô Thị Phương Thảo - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường in tờ rơi với các mô hình học tập, học nghề sau THCS phát cho từng giáo viên chủ nhiệm để truyền tải tới học sinh và phụ huynh. Đồng thời qua các cuộc họp với địa phương, tổ dân phố, nhà trường đều kêu gọi sự vào cuộc tích cực và nhận được phối hợp tốt của các tổ trưởng.
Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ học sinh học nghề chiếm 7 - 12%. Các em chủ yếu học nghề thủy sản, điện, hàn. Với mô hình đào tạo của trường nghề, sau khi tốt nghiệp các em vừa có bằng nghề, vừa có bằng văn hóa nên phụ huynh cũng yên tâm.
Năm học này, có 4 học sinh đang băn khoăn chưa biết nên chọn nghề hay đi làm sớm. Nhà trường từng bước tư vấn cho các em để có lựa chọn phù hợp. Các cô đã tư vấn cho các em việc đi làm sớm là không nên bởi, độ tuổi này chưa phát triển toàn diện thể thể chất và tâm lý. Hơn nữa lao động khi chưa đủ tuổi không đảm bảo quyền lợi hợp pháp và không có thu nhập cao do thiếu kiến thức, kỹ năng.
Hướng tới người học
Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) TP Hải Phòng hàng năm có khoảng 300 học viên học THPT. Với việc đào tạo theo mô hình 9+, sau 4,5 năm học, học viên ra trường vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng nghề, thuận lợi cho xin việc của các em.
Tuy nhiên, thực tế khi được hỏi rất ít học viên có lựa chọn học tại Trung tâm GDTX. Theo thầy Vũ Thế Thuy - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Hải Phòng, tâm lý học sinh và phụ huynh vẫn hằn sâu tư tưởng học ở trung tâm là học bổ túc văn hóa mà chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của GDTX. Hơn nữa, hạn chế của GDTX là làm được mà không nói được do truyền thông chưa tốt.
Thầy Thuy chia sẻ: Học tại Trung tâm GDTX, chương trình học nhẹ nhàng hơn. Các em được học 7 môn thay vì 13 môn như trường phổ thông. Quỹ thời gian còn lại các em có thể học nghề, ôn thi tốt nghiệp. Các em thi tốt nghiệp cùng hội đồng, được cộng tối đa 4 điểm ưu tiên thay vì 2 điểm như trường phổ thông và được cấp bằng như học sinh THPT khác… Để khuyến khích học viên học vào học, Trung tâm GDTX tặng sách vở cho em đến đăng ký học sớm.
Lợi thế của Trung tâm GDTX Hải Phòng là có đội ngũ giáo viên biên chế chuẩn trình độ chuyên môn, không có giáo viên hợp đồng nên các thầy cô rất sát sao, trách nhiệm với học viên.
Để thu hút học viên, nhiều năm gần đây, Trung tâm liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng để đào tạo nghề. Xác định Hải Phòng là thành phố có thế mạnh về cảng biển, dịch vụ du lịch nên sẽ cần một lượng lớn lao động vì thế thầy cô định hướng nghề và liên kết đào tạo học viên.
Trung tâm GDTX Hải Phòng cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước được hỗ trợ lắp đặt các thiết bị công nghệ cho 3 phòng (phòng máy tính, phòng học đa phương tiện, phòng giáo viên) đảm bảo các điều kiện để xây dựng mô hình trung tâm giáo dục thông minh. Theo thầy Thuy, đó là lợi thế lớn với những học viên theo học tại Trung tâm.
“Với 4 loại hình để lựa chọn sau tốt nghiệp THCS (học THPT công lập, THCS dân lập, Giáo dục thường xuyên và học nghề), trên tinh thần phân luồng, tư vấn còn lựa chọn hướng đi như nào là do học sinh và phụ huynh quyết định”, cô Thảo thông tin.
Nguyễn Dịu
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giup-tro-chon-nga-re-phu-hop-x0WvzPl7g.html