GMS sẽ đẩy mạnh hợp tác về vaccine, bảo đảm tiếp cận an toàn, công bằng và hiệu quả
Trong giai đoạn đến 2023, nhằm hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế, GMS sẽ đẩy mạnh hợp tác về vaccine để bảo đảm các nước tiếp cận được vaccine COVID-19 an toàn, giá cả phải chăng, công bằng và hiệu quả.
Sáng 9/9, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng các nước: Campuchia, Lào Thái Lan, Trung Quốc; đại diện Myanmar, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và gần 350 đại biểu đại diện các bộ, ngành sáu nước, các đối tác phát triển và khối doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “GMS: Củng cố sức mạnh để đối mặt với những thách thức của thập kỷ mới”, Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 (3/2018) và thảo luận phương hướng hợp tác trong thập kỷ mới cũng như các giải pháp để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.
Theo đó, Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong gần ba thập kỷ qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng” (Connectivity, Competitiveness, Community).
Cụ thể, đến nay, quy mô hợp tác đạt 28 tỷ USD với hàng trăm dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng và nâng cấp gần 12.000 km đường bộ, 700 km đường sắt, gần 3.000 km đường dây truyền tải điện. GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia Đông-Tây và Bắc-Nam.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng qua 3 năm, hợp tác GMS vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022, nổi bật là việc hoàn thành 11 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD.
Hội nghị đã thông qua “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023” và “Khung chiến lược Chương trình Hợp tác kinh tế GMS 2030”. Theo đó, các nhà Lãnh đạo đã đưa ra tầm nhìn 2030 về một khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng và phát triển bền vững và bao trùm.
GMS sẽ đẩy mạnh hợp tác về vaccine, bảo đảm tiếp cận an toàn, công bằng và hiệu quả trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, Hội nghị thống nhất: Tận dụng cuộc cách mạng số để nâng cao cao hiệu quả và tính bao trùm của nền kinh tế; Cải thiện cách tiếp cận không gian trong phát triển với việc xây dựng mạng lưới các hành lang kinh tế, gắn kết khu vực biên giới, các thành phố lớn và khu vực nông thôn; Thúc đẩy kết nối năng lượng, hướng đến hình thành thị trường năng lượng khu vực cạnh tranh.
Hội nghị cũng thống nhất cần tăng cường đối thoại về chính sách và quy định, chú trọng các giải pháp dựa trên tri thức và nâng cao năng lực; Phát huy tiềm năng và năng lực của khu vực tư nhân; Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình phát triển; và Xây dựng GMS là cơ chế hợp tác mở, phối hợp, bổ trợ các cơ chế khu vực khác.
Trong giai đoạn đến 2023, nhằm hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế, GMS sẽ đẩy mạnh hợp tác về vaccine để bảo đảm các nước tiếp cận được vaccine COVID-19 an toàn, giá cả phải chăng, công bằng, và hiệu quả.
GMS cũng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp về bảo đảm sức khỏe con người và động vật; cây trồng, thực phẩm và môi trường đô thị lành mạnh; Ổn định chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để bảo đảm dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, trật tự của người lao động; Thúc đẩy hợp tác giữa các nước về giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong sử dụng bền vững và quản lý tổng thể các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước, thông qua hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực chung nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại khu vực GMS.