Gỗ bị tịch thu không còn được xem là gỗ hợp pháp
Gỗ bị tịch thu không còn hợp pháp là một trong những điều chỉnh được quy định tại Nghị định 120/2024 sắp có hiệu lực từ ngày 15-11 tới. Gỗ tạm nhập, tái xuất sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và không cấp giấy phép FLEGT như hiện nay.
Theo Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15-11-2024, gỗ xử lý tịch thu không còn được xem là hợp pháp, theo Baochinhphu.vn.
Nghị định 120 vừa ban hành định nghĩa gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi khai thác gỗ, trung chuyển và xuất khẩu gỗ vào Việt Nam.
So với Nghị định 102/2020/NĐ-CP ban hành trước đó, gỗ xử lý tịch thu đã được bỏ khỏi định nghĩa gỗ hợp pháp. Ngoài ra, Nghị định mới cũng kiểm soát chặt chẽ gỗ tạm nhập, tái xuất. Theo đó, loại gỗ này không còn nằm trong diện được cấp giấy phép FLEGT.
Giấy phép FLEGT hiện được cấp cho một lô hàng gỗ hợp pháp có mã HS thuộc Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của một chủ gỗ xuất khẩu đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Một điểm đáng chú ý, Nghị định 120 đã sửa Điều 5 của Nghị định 102, chỉ rõ các tiêu chí xếp loại quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực. Danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định.
Định kỳ trước 31-12 hàng năm hoặc khi có thay đổi, danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm.
Nghị định 120 cũng phân loại chi tiết danh mục loài gỗ rủi ro, nếu thuộc một trong số các tiêu chí là gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (thuộc Phụ lục CITES) và gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/go-bi-tich-thu-khong-con-duoc-xem-la-go-hop-phap/