'Gõ cửa' truyền thống tìm đến… cách tân

Nhìn nhận một thực tế, do tác động khách quan và cả chủ quan nên đã dẫn đến sự biến đổi rõ rệt ở những ngôi nhà sàn truyền thống. Sự biến đổi này diễn ra theo tiến trình hiện đại hóa, phù hợp với cuộc sống mới. Dù là nếp nhà sàn truyền thống hay nhà sàn đã được cách tân về kiến trúc thì đó vẫn là cội nguồn, là văn hóa, là nơi để trở về...

Ngôi nhà sàn truyền thống đã hơn 50 năm của gia đình bà Trương Thị In ở thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) (ảnh trái);

Ngôi nhà sàn truyền thống đã hơn 50 năm của gia đình bà Trương Thị In ở thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) (ảnh trái);

Ngôi nhà sàn với sự cách tân về kiến trúc của gia đình anh Lương Văn Nghị, đội 1, thôn 3, xã Ban Công (Bá Thước) (ảnh phải).

1.“30 năm trước thì có khoảng vài trăm nhà sàn truyền thống. Giờ thôn còn khoảng 100 ngôi nhà nhưng chỉ có khoảng 30 ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống thôi, còn lại phần lớn đã cách tân. Truyền thống có bà May, ông Sâm, ông Sơn, ông Năm, ông Thoa, ông Mùi, bà In...”, Bí thư chi bộ thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh), bà Lê Thị Thời đọc vanh vách những tên nhà.

Nhà bà Trương Thị In, 85 tuổi, dân tộc Mường, được xem là 1 trong những ngôi nhà sàn truyền thống đẹp nhất thôn Chiềng Khạt. Ngôi nhà được dựng cách đây 50 năm. Từ những chiếc cột cái, xà dọc, xà ngang đều được làm bằng gỗ mài lái, trường mật, nguyên cây. Mỗi chiếc cột có đường kính từ 120-150 vanh (120-150cm). Tại ngôi nhà 3 gian 2 chái này, vẫn hiện hữu của mái kè, sàn luồng và không thể thiếu bếp lửa, linh hồn của nhà sàn.

30 năm về làm dâu, nơi gắn bó nhiều nhất với chị Hà Thị Phòng chính là gian bếp. Đây cũng là nơi đầu tiên chị tiếp cận khi về làm dâu mới. Điều đặc biệt, tuổi chị Phòng cũng bằng chính tuổi ngôi nhà sàn. Năm nay chị Phòng 50 tuổi. “Giờ ở đây chỉ còn mẹ, hai vợ chồng tôi và các con. Các anh chị đã ở riêng. Nhà đang còn tốt nên gia đình chưa tính đến chuyện làm nhà mới”, chị Phòng cho biết.

Chiềng Khạt là thôn còn nhiều nhà sàn truyền thống nhất ở xã Đồng Lương.

Còn ở xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy), hiện còn 72 ngôi nhà sàn, chủ yếu nhà sàn cách tân kiến trúc mà ở đó có sự thay đổi rõ nhất là chuyển từ mái cọ sang mái ngói, mái tôn hay Fibro xi măng, từ sàn luồng sang sàn gỗ... Và không chỉ nhà sàn gỗ mà tại đây còn có khoảng hơn 20 nhà sàn bằng bê tông.

Thạch Minh là thôn có nhiều nhà sàn nhất ở xã Cẩm Liên với 32 cái, trong đó có 2 nhà sàn truyền thống là nhà sàn của bà Phạm Thị Nữ, 79 tuổi và hộ ông Lê Quốc Quế, 61 tuổi.

Nhà sàn của bà Phạm Thị Nữ đã bước sang tuổi 46. Ở gian bếp, ngày ngày bà vẫn ngồi nấu cơm, đun nước. Bà nói: “Bếp thiêng của gia đình, làm được rất nhiều việc. Riêng tro bếp, trước hai vợ chồng mang rải cho cây cối, giờ tuổi cao đến lượt các con thay bố mẹ làm. Nhưng ít hôm nữa chuyển xuống đất, sợ lại không mang theo được chiếc bếp nhiều kỷ niệm này”.

Cách đấy chỉ vài bước chân, nếp nhà cấp 4 của gia đình bà Nữ đã cơ bản hoàn thành. Sở dĩ không thể tiếp tục gắn bó với ngôi nhà sàn truyền thống vì ngôi nhà này đã xuống cấp, không có điều kiện làm lại. “Vẫn thích nhà sàn hơn, nó thoáng mà”, bà Nữ cho hay.

2.Cũng ở thôn Thạch Minh, do còn “vấn vương” với nhà sàn nên một số hộ, sau khi chuyển sang nhà đất một thời gian lại quay về làm nhà sàn dù chỉ là nhà sàn bê tông. Đó là câu chuyện của ông Phạm Bá Sang (61 tuổi). Vào năm 1971, gia đình ông Sang đã dựng 1 nhà sàn gỗ, cột chôn, 5 gian. 14 năm sau đó, vào năm 1985, theo như lời kể của ông Sang, lúc bấy giờ nở rộ phong trào bán nhà sàn để xây nhà dưới đất, nhà ông Sang cũng không ngoại lệ. Ông Sang nhớ lại: “Gia đình tôi đã xây nhà cấp 4 để ở. Tuy nhiên, trong quá trình ở ngôi nhà này, nhận thấy vừa ẩm thấp vừa bí nên gia đình quyết định quay lại nhà sàn. Nhưng lần này, chúng tôi làm nhà sàn bê tông, vì độ bền cao của nó”.

Chuyện của nhà ông Sang làm tôi nhớ đến câu chuyện của hộ anh Lương Văn Nghị, dân tộc Thái, ở đội 1, thôn 3, xã Ban Công (Bá Thước). Gia đình anh Nghị đã từng có 14 năm ở trong ngôi nhà sàn truyền thống. Vào năm 2005, do ngôi nhà mối mọt, hư hỏng, gia đình đã xây nhà cấp 4. Gần 20 năm sau đó, ngôi nhà cấp 4 cũng xuống cấp. Gia đình anh Nghị được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà ở bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 từ 2021-2025. Không như một số gia đình trong diện hỗ trợ, gia đình anh Nghị từ nhà cấp 4 trở lại dựng nhà sàn gỗ nhưng đã cách tân về kiến trúc với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Theo chia sẻ của anh Nghị, thì: “Sẵn gỗ nhà trồng, gia đình bàn bạc, thống nhất quay về làm nhà sàn gỗ vì thấy có nhiều cái thuận hơn. Tất nhiên, dựng nhà sàn lần này có sự cải tiến, phù hợp hơn với điều kiện sinh hoạt hiện nay, là mái tôn, gầm sàn được lát nền và cũng là nơi để ăn uống, ngủ, nghỉ...”.

Nhà sàn là nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Nhà sàn không chỉ để ở mà còn có nhiều chức năng khác, là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, xã hội mang tính cộng đồng cao.

Hiện chưa thống kê được trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu nhà sàn cổ, truyền thống. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện nhà sàn có rất nhiều vấn đề đã và đang diễn ra, là nhà sàn xuống phố, là dỡ bỏ nhà sàn truyền thống để xây nhà dưới đất hoặc cách tân kiến trúc nhà sàn... Theo ông Hà Nam Khánh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước thì do tốc độ đô thị hóa nên một bộ phận người dân cũng thấy rằng, cần phải có sự thay đổi để thích ứng hợp lý hơn. Ông nói: “Hơn nữa, nhà sàn lâu năm sẽ không tránh khỏi mối mọt, hư hỏng trong khi đó nguồn nguyên liệu gỗ khan hiếm. Vì vậy, thay vào đó là những nhà sàn đã cách tân về kiến trúc... Gầm sàn cũng trở thành không gian sinh hoạt chung, bếp lửa tách ra bên ngoài nhà...”.

Theo ông Cầm Bá Đức, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân, hiện trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 40 nhà sàn truyền thống, nhà sàn cách tân về kiến trúc có hơn 200 nhà ... Ông Đức cũng cho rằng, khi muốn tu sửa nhà sàn, khó có gỗ để thay thế nên sự lựa chọn tốt nhất với người dân là cách tân nhà sàn hoặc xây nhà cấp 4. “Khi người dân cảm thấy nhà sàn gỗ không còn phù hợp với công năng sử dụng thì họ cũng sẽ thay đổi về mặt kiến trúc ngôi nhà, về cách bố trí nội thất...”, ông Đức cho biết.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/go-cua-truyen-thong-tim--cach-tan-32662.htm