Gỡ điểm nghẽn cho điện mặt trời

Điện mặt trời có vai trò ngày càng quan trọng nhưng nguồn năng lượng xanh này còn nhiều điểm nghẽn nên tỷ trọng trong tổng công suất các nguồn điện còn thấp.

Vai trò ngày càng quan trọng

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế, nhu cầu điện cả nước tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia, Việt Nam không chỉ dẫn đầu Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện mặt trời mà còn sở hữu tiềm năng phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này, hứa hẹn đóng góp lớn hơn vào mục tiêu năng lượng bền vững.

Điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh Hoàng Anh

Điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh Hoàng Anh

Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ) năm 2022, Việt Nam có nhiều tài nguyên điện mặt trời, trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời đạt khoảng 5kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và 4kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc.

Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc đạt khoảng 1.500 - 1.700 giờ, trong khi ở miền Trung và miền Nam, con số này đạt khoảng từ 2.000 - 2.600 giờ mỗi năm. Do đó, việc phát triển điện mặt trời là tất yếu với Việt Nam trong xu thế trung hòa carbon đến 2050.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, năm 2025, hơn 1/3 lượng điện của thế giới sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng 4% vào năm 2025 do kinh tế phục hồi, nhu cầu cung cấp điện cho trí tuệ nhân tạo và các hoạt động công nghiệp mở rộng nên giá năng lượng tiếp tục tăng nhẹ.

Công nghệ điện mặt trời đã phát triển mạnh mẽ, giúp tăng hiệu suất của các tấm pin mặt trời. Hiện các công nghệ mới có thể đạt hiệu suất từ 20% đến 30%. Giá thành sản xuất điện từ năng lượng mặt trời đã giảm mạnh trong những năm qua, giúp điện mặt trời trở thành một nguồn năng lượng cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Chi phí lắp đặt điện mặt trời đã giảm tới 80% từ năm 2010 đến nay.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 lên đến 67,5 - 71,5%.

Trong đó, quy mô điện mặt trời đến năm 2030 là 20.591MW và đến năm 2050 là 189.000MW, sản xuất từ 252 – 291 tỷ kWh điện mỗi năm. Như vậy, mục tiêu định hướng đến năm 2050, điện mặt trời sẽ là loại hình điện lớn nhất, chiếm hơn 38,5% tổng công suất các nguồn điện ở nước ta.

Hiện cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đạt hơn 9.500MW. Để tăng khả năng tự cung cấp điện cho các hộ gia đình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% các tòa nhà công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời. Mục tiêu đến năm 2050 nguồn điện này sẽ đạt 39.500 MW.

Điện mặt trời không chỉ tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo mà còn giúp giảm phát thải khí CO2. Một MW điện mặt trời có thể cắt giảm khoảng 1,5 triệu kg CO2 mỗi năm, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Mục tiêu này không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn tài nguyên năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững và đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tính đến tháng 7/2024, sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống bao gồm thủy điện là 40,9 tỷ kWh, chiếm 22,8%; nhiệt điện than 96,4 tỷ kWh chiếm 53,7%; năng lượng tái tạo là 24 tỷ kWh, chiếm 13,4% (trong đó điện mặt trời đạt 16 tỷ kWh, điện gió đạt 7,3 tỷ kWh).

Hiện nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, năm 2022 nhu cầu các tỉnh phía Nam tăng 8%, năm 2023 tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 1,27% và năm 2024 tăng trưởng điện ở các tỉnh phía Nam, trừ TP. HCM, dự kiến là 10,2%.

Nếu xét theo ngành thì riêng mức tăng của ngành công nghiệp dự kiến khoảng 12%, đây chính là một tín hiệu cho thấy áp lực sẽ rất lớn về nguồn cung điện để đáp ứng cho phát triển.

Tại cuộc họp báo về kinh tế xã hội định kỳ của TP. HCM vừa qua, ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương cho biết, mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ phủ 50% hộ dân dùng điện mặt trời mái nhà. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, với tổng công suất khoảng 358MWp.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực nhận định, hệ thống điện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng cung cầu trong những năm tới. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên để năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi xanh thì cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn đã và đang tồn tại.

Điểm nghẽn

Lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, trong đó có điện mặt trời là khá rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thượng Quân, Phó trưởng văn phòng đại diện của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam thì trong quá trình thực hiện triển khai điện mặt trời vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thứ nhất, hệ thống lưới điện tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi, khiến việc truyền tải điện từ các dự án năng lượng mặt trời gặp nhiều khó khăn. Tình trạng quá tải lưới điện ở một số khu vực có công suất lắp đặt lớn cũng là vấn đề nan giải.

Thứ hai, dù các chính sách khuyến khích ban đầu, như giá mua điện ưu đãi (FIT), đã thúc đẩy sự bùng nổ các dự án năng lượng mặt trời, nhưng việc thiếu một khung pháp lý ổn định và minh bạch trong dài hạn làm giảm sức hút đầu tư.

Thứ ba, đầu tư vào năng lượng mặt trời đòi hỏi vốn lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, chi phí bảo trì và thay thế các thiết bị hiện đại cũng là một gánh nặng.

Thứ tư, việc xử lý tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng là vấn đề lớn, đòi hỏi giải pháp tái chế hiệu quả để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Thứ năm, dù năng lượng mặt trời có nhiều lợi ích, nhưng nhận thức của người dân và doanh nghiệp về việc ứng dụng vẫn còn hạn chế, làm chậm quá trình chuyển đổi xanh.

Những thách thức trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để tháo gỡ và thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời phát triển bền vững.

Ông Quân cho rằng, hiện chính sách phát triển năng lượng mặt trời vẫn chưa thiết thực và cần có những chính sách hợp lý và chương trình hỗ trợ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu phủ 50% mái nhà bằng năng lượng mặt trời tại các thành phố lớn vào năm 2030, cần có sự quyết liệt từ Chính phủ. Việc lựa chọn công nghệ phù hợp, an toàn và hiệu quả cũng sẽ là chìa khóa để phát triển bền vững năng lượng mặt trời tại Việt Nam trong tương lai.

Sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hiệu quả là nền tảng quan trọng để Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt nhằm đối phó với các thách thức về môi trường và năng lượng mà còn là chiến lược dài hạn để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội cần chung tay thực hiện các chính sách và biện pháp cụ thể, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về sử dụng năng lượng hiệu quả trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và xây dựng nền kinh tế xanh bền vững.

Yến Thư

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/go-diem-nghen-cho-dien-mat-troi-d38577.html