Gỡ điểm nghẽn để Đông Nam bộ lấy lại vị thế dẫn đầu
Thời gian qua, khu vực Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM kinh tế có lúc bị chững lại, đánh mất vị thế dẫn đầu của cả nước.
Nguyên nhân được chỉ ra là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông khiến sức hút đầu tư kém. Nhiều quyết sách quan trọng đã được đưa ra để sớm tháo gỡ, giúp Đông Nam bộ lấy lại vị thế vốn có.
Thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì ùn tắc
Một ngày cuối tuần tháng 3/2023, chị Nguyễn Thị Hoài thuê xe cho 50 cán bộ nhân viên của Trường Việt Mỹ Úc (TP.HCM) đi du lịch Lagi (Bình Thuận).
Lúc đi suôn sẻ, nhưng khi về rất vất vả. Chiếc xe 50 chỗ xuất phát lúc 12h trưa, khi tới QL51 bắt đầu gặp cảnh ùn tắc, nhất là đoạn nút giao để vào cao tốc Long Thành - TP.HCM. Tính ra, cả đoàn mất gần 5 tiếng cho quãng đường chỉ 150km.
Cầu Long Thành được ví như điểm nghẽn về hạ tầng liên kết của khu vực Đông Nam bộ, bởi toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài hơn 50km, đều rộng 6 làn, nhưng khi lên cầu bị bóp lại chỉ 4 làn, trở thành nút thắt cổ chai.
Anh Hoàng Văn Việt, lái xe container thường xuyên chở hàng từ Bình Dương vào cảng Cát Lái cho biết, quãng đường không xa nhưng mỗi lần vào Xa lộ Hà Nội đến Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống… phải nhích từng chút.
Dịp Tết vừa qua, phương tiện từ Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đổ về TP.HCM rất đông. Lượng xe máy, ô tô xếp hàng từ QL1 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, kéo dài qua cầu Mỹ Thuận và đến giáp ranh tỉnh Tiền Giang. Mặc dù cao tốc đã kéo dài đến Mỹ Thuận, nhưng đoạn từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ chưa hoàn thành nên lượng phương tiện vẫn đổ dồn về QL1.
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, qua tính toán, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì ùn tắc giao thông, nhất là các cửa ngõ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch chỉ rõ, nguyên nhân khiến kinh tế khu vực phía Nam trong những năm qua có chững lại một phần do bất cập về hạ tầng giao thông. “Trong khi Hà Nội đã làm đến Vành đai 4, nhưng TP.HCM đến nay vẫn chưa khép kín một vành đai nào cả thì không thể nào phát triển được”, ông Lịch nói.
Cần hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được tổ chức cuối năm 2022, nhiều ý kiến đã phân tích cụ thể về điển nghẽn hạ tầng giao thông của khu vực này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ra sao.
Theo tính toán, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ lên đến khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương bố trí khoảng 60.800 tỷ); giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 396.500 tỷ.
Theo đó, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ tập trung đầu tư tại vùng Đông Nam bộ.
Về đường bộ, các tuyến cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM được triển khai gồm: Hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch.
Hiện, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, đang phấn đấu khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm.
Những kỳ vọng lớn lao
Theo kế hoạch, trong năm 2023, cả hai tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Cam Lâm - Nha Trang sẽ hoàn thành. Như vậy, trong năm nay sẽ có tuyến cao tốc dài hơn 425km từ TP.HCM đến thành phố du lịch Nha Trang. Thời gian di chuyển rút ngắn còn hơn 4 tiếng thay vì hơn 8 tiếng.
Cùng với đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng hoàn thành cuối năm 2023. Như vậy 165km đường cao tốc từ TP.HCM - Cần Thơ sẽ thông suốt. Thời gian di chuyển từ hơn 3 tiếng sẽ rút ngắn chỉ còn gần 2 tiếng.
Có thể hình dung, đến cuối năm 2023, với 455km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác, từ TP.HCM có thể vươn về hai hướng Bắc- Nam một cách dễ dàng. Cung đường “Tiến về Sài Gòn” theo hệ thống đường bộ sẽ bứt tốc.
Đến 2030, cao tốc được thông suốt đến Cà Mau, cùng với đó là các tuyến cao tốc trục ngang như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài; Dầu Giây - Tân Phú - Liên Khương, Vành đai 3, Bến Lức - Long Thành… khu vực phía Nam không còn là “vũng trũng” về cao tốc.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, với hệ thống hạ tầng giao thông đang được đầu tư, trong đó có nhiều tuyến cao tốc kết nối liên vùng sẽ là lợi thế cho sự phát triển của Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi Trung ương có những chính sách đầu tư về hạ tầng giao thông liên kết vùng cho khu vực phía Nam, đây sẽ là điều kiện để các địa phương cùng cất cánh đi lên.
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, khi hạ tầng giao thông tốt, hàng hóa lưu thông thuận lợi sẽ dễ dàng thu hút đầu tư. Cộng thêm cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, nhiều lựa chọn trong kết nối với TP.HCM sẽ giúp việc lưu thông hàng hóa, con người từ các đô thị vệ tinh về thành phố trở nên dễ dàng hơn.
“Việc lưu thông ở vùng lõi trung tâm sẽ trở nên thuận tiện hơn, giảm ùn tắc giao thông, giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm. Môi trường đầu tư sẽ trở nên hấp dẫn hơn”, ông Minh nói.
Động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước
Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra.
Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng…
Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.