Gỡ điểm nghẽn ngành logistics

Logistics là ngành công nghiệp dịch vụ đang phát triển mạnh trên thế giới. Bao gồm các dịch vụ kho bãi, lưu trữ, bốc xếp, tháo dỡ, vận tải, giao nhận hàng hóa và các dịch vụ gắn liền như xử lý hàng lỗi, hỏng, bị trả lại, tồn kho... logistics được coi là huyết mạch của nền kinh tế, tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hóa và sức cạnh tranh của cả quốc gia.

Từ hàng chục năm qua, Việt Nam đã rất quan tâm thúc đẩy hình thành và phát triển ngành công nghiệp dịch vụ logistics. Thực tế, ngành logistics Việt Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh, mức tăng trưởng hằng năm thường xuyên đạt ở tầm 2 con số, với quy mô và tỷ trọng đóng góp trực tiếp cho GDP ngày càng lớn. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, so với thế giới, logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng.

Hiệu quả của logistics được đo lường trực tiếp bằng thời gian giao-nhận hàng hóa tới tay người tiêu dùng ngắn nhất, với chi phí thấp nhất. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều sự so sánh về hiệu quả của logistics Việt Nam với các nước. Những đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam phải qua thêm công đoạn hoàn thành thủ tục hải quan nhưng cũng chỉ mất vài ngày là hàng hóa đã đến tay người mua với chi phí chuyển hàng thậm chí còn thấp hơn rất nhiều chi phí trong nội địa nước ta. Chúng tôi đã đặt thử một hộp sâm từ Hàn Quốc. Chỉ mất 3 ngày, hộp sâm tươi từ Hàn Quốc về đến tay người nhận với phí vận chuyển là 0 đồng (bên bán miễn phí cho bên mua), giá sâm tươi thậm chí còn thấp hơn giá cùng loại đang được rao bán tại Việt Nam.

 Logistics là ngành công nghiệp dịch vụ đang phát triển mạnh trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Logistics là ngành công nghiệp dịch vụ đang phát triển mạnh trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Đó là những minh chứng thực tế cho con số thống kê chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP, cao gấp khoảng 1,6 lần mức trung bình của thế giới và cao gấp khoảng 2 lần so với các nước phát triển.

Chi phí logistics cao làm đội giá bán khiến hàng Việt Nam gặp bất lợi khi cạnh tranh về giá cả với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Thời gian giao-nhận quá dài cũng khiến người tiêu dùng nội địa chuyển hướng đặt hàng ở những nhà cung cấp từ nước ngoài nhiều hơn. Số liệu thống kê từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng gần đây luôn giảm. Ngay trong tháng 1-2023, kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm tới 17,3% so với tháng trước (số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính). Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, thậm chí một số nền kinh tế lớn có xu hướng giảm phát, xuất khẩu hàng hóa của nước ta chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu ngay trên thị trường nội địa, chúng ta cũng không giữ được lợi thế cạnh tranh thì miếng bánh thị phần của hàng Việt cũng sẽ ngày càng teo tóp.

Tất nhiên, để tìm ra và giải quyết những điểm nghẽn của ngành công nghiệp dịch vụ mang tính nền tảng cho phát triển thương mại nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung này sẽ cần sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan cho tới hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia và doanh nghiệp. Nhưng có lẽ, điểm mấu chốt là ứng dụng công nghệ trong tính toán và sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics để tối ưu hóa hiệu quả logistics của các doanh nghiệp nước ta còn thấp. Dòng chảy logistics sẽ càng nhanh hơn, chi phí càng thấp hơn nếu mạng lưới dày đặc hơn. Mạng lưới logistics sẽ càng dày đặc hơn nếu các doanh nghiệp logistics liên kết với nhau chặt chẽ hơn, tạo thành một mạng lưới chung. Với việc Hiệp hội Logistics Việt Nam mới được ra mắt, hy vọng ngành logistics Việt Nam sẽ sớm có sự liên kết chặt chẽ hơn để vươn tầm khu vực và thế giới...

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/go-diem-nghen-nganh-logistics-718122