Gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06
Là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung phát huy các thế mạnh về nguồn nhân lực, triển khai hiệu quả những mô hình thực hiện thủ tục hành chính và có nhiều cách làm sáng tạo... Tuy nhiên, điểm nghẽn về pháp lý, hạ tầng chưa được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Đề án 06.
Nhiều cách làm sáng tạo
Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) chiều 4-4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ ra 3 điểm nghẽn về pháp lý, nhân lực và hạ tầng, phải khẩn trương tháo gỡ.
Trong 3 điểm nghẽn được Phó Thủ tướng Chính phủ nêu, về nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06, thành phố Hà Nội đã cơ bản bảo đảm, đáp ứng yêu cầu. Trong đó, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Tổ công tác 06...
Triển khai thực hiện Đề án 06, các địa phương, đơn vị đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như: Thành lập “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”; các mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa...
Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thanh Toàn cho biết, xã đã thí điểm thành lập “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24 giờ” tại thôn Vĩnh Trung. Tổ hỗ trợ tại điểm gồm 10 thành viên, gồm công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, đoàn viên, thanh niên, hội viên chi hội phụ nữ, công an viên...
Hiện, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo 100% đơn vị, địa phương tổ chức đăng ký mô hình điểm về bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án 06. Trong đó, thành phố chú trọng xây dựng mô hình triển khai dịch vụ công, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi tại các địa điểm đông người như chung cư, phố đi bộ, trường học, bệnh viện; mô hình thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu 100% cơ sở giáo dục, y tế thực hiện…
Còn khó khăn về hạ tầng, pháp lý
Tuy nhiên, trên thực tế tại Hà Nội, vấn đề pháp lý, hạ tầng là “điểm nghẽn” chính dẫn đến bất cập, khó khăn, vướng mắc đối với cả cán bộ, công chức và người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định, quá trình triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Giao diện trên Cổng dịch vụ công còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng; Cổng dịch vụ công thường xuyên quá tải, báo lỗi hệ thống trong khung giờ hành chính…
Đơn cử như tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh), Phó Chủ tịch UBND xã Trần Bình Trọng cho biết, điều kiện được liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú tại phần mềm liên thông chủ yếu cho các trường hợp đăng ký khai tử được hưởng mai táng phí. Như vậy, thủ tục liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú chỉ áp dụng đối với một số ít hồ sơ không đáng kể, trong khi nhu cầu liên thông thủ tục Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú là khá lớn.
Bên cạnh đó, theo báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố tháng 3-2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 Hà Nội, có 26.542 trường hợp dữ liệu bảo hiểm tại khu công nghiệp không tìm thấy công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 314 trường hợp dữ liệu bảo hiểm xã hội thất nghiệp không tìm thấy công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... đã ảnh hưởng đến công tác làm sạch dữ liệu dân cư của thành phố.
Về pháp lý, tại hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 28-2-2023, thành phố Hà Nội đã báo cáo 66 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành giải quyết cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, thành phố Hà Nội nhận được 3 văn bản trả lời, giải đáp đối với 5 vấn đề khó khăn, vướng mắc; còn lại chưa nhận được văn bản giải đáp của các bộ, ngành.
Thành phố đang tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an họp bàn, góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp/hỗ trợ mai táng phí (sửa đổi, bổ sung).
Phát huy kết quả đã đạt được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06. Trong đó, thành phố sẽ khẩn trương số hóa các nhóm dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố theo quy định.