Gỡ khó bảo hiểm y tế vùng biên

Thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2020-2025. Theo đó, hàng chục ngàn đối tượng thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT từ tháng 11-2022 đến hết năm 2025. Tuy nhiên, hiện số đối tượng được hỗ trợ này tham gia BHYT chưa nhiều, nhất là trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp chiếm tỷ lệ rất thấp.

Người dân không mặn mà

Thống kê sơ bộ, huyện Bù Đốp có 8.782 người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thuộc diện được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT theo Nghị quyết số 16. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1.368 người tham gia, chiếm 16%. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Năm 2022, sau khi Nghị quyết số 16 ban hành, hơn 9.000 người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp mức sống trung bình trên địa bàn huyện Bù Đốp được hỗ trợ và tham gia BHYT.

Là đối tượng trong diện được hỗ trợ, năm 2022, chị Nguyễn Thị Hương ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành bỏ thêm một phần kinh phí nhỏ để tham gia BHYT. Chị Hương cho biết, tham gia BHYT được rất nhiều quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, do bận làm kinh tế nên từ đầu năm 2023 đến nay thẻ BHYT hết hạn, nhưng chị Hương chưa có thời gian tham gia trở lại.

Thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện Bù Đốp đã vận động được 60 triệu đồng mua thẻ BHYT tặng học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường TH&THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp trong giờ học

Ông Trần Văn Thái, Trưởng ấp Tân Hiệp cho biết, toàn ấp có 320 hộ, trong đó 54 hộ dân tộc thiểu số (DTTS). Phần lớn hộ DTTS trước đây được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT 100%, nhưng bây giờ không còn nữa. Do vậy, một số hộ trông chờ, ỷ lại, chậm tham gia, bởi họ suy nghĩ năm nào cũng được Nhà nước bao cấp 100%. Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên một số bà con đã hiểu và tham gia.

Trên địa bàn xã Tân Thành có 1.022 hộ nông, lâm, ngư nghiệp mức sống trung bình thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Nghị quyết 16 nhưng tỷ lệ tham gia chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Lý giải về tỷ lệ đạt thấp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Lý Thanh Sang cho biết, do những năm trước Nhà nước hỗ trợ nhiều nên hình thành tâm lý trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người dân. Mặt khác, trong quá trình tuyên truyền, vận động tham gia, nhiều người phản ánh vấn đề khám, chữa bệnh ở các tuyến trên như Bệnh viện đa khoa tỉnh, nguồn thuốc, vật tư, hóa chất chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, người dân chưa mặn mà với khám, chữa bệnh bằng BHYT nên vận động bà con rất khó khăn.

Đồng quan điểm, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đốp Lê Đình Hiệu cho biết, số hộ DTTS trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao. Trước đây, bà con được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước nên có tâm lý trông chờ, ỷ lại, tham gia rất ít. Ngoài ra, từ thông tin đại chúng, thời gian qua, các cơ sở y tế công thiếu thuốc, vật tư, hóa chất khiến người dân không mặn mà với BHYT.

Phụ huynh chưa quan tâm

Không chỉ đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp mà tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn huyện Bù Đốp cũng đạt thấp, chiếm 90% tổng số học sinh, thấp hơn bình quân chung của tỉnh (94,2%).

Trường TH&THCS Hưng Phước là một trong những đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp, chiếm 71%. Hiệu trưởng Lê Kỳ Âu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp, chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến BHYT cho con em mình.

Cán bộ ngành BHXH huyện Bù Đốp phối hợp chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT

Cán bộ ngành BHXH huyện Bù Đốp phối hợp chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT

Đến cuối tháng 4-2023, tỷ lệ học sinh của Trường TH&THCS Thanh Hòa tham gia BHYT chỉ đạt 80,02%. Nguyên nhân được Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải: Do trước đây xã Thanh Hòa có nhiều thôn đặc biệt khó khăn nên học sinh được cấp thẻ BHYT miễn phí. Năm 2020, xã về đích nông thôn mới, từ đó học sinh ở các thôn đặc biệt khó khăn không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nên chưa thích nghi với việc phải bỏ tiền mua. Cùng với đó, kinh tế gia đình các em còn khó khăn, hầu hết sản xuất nông nghiệp, giá cả nông sản bấp bênh nên hạn chế nguồn thu.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng cho rằng, ngoài hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì phần lớn phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn của BHYT đối với học sinh. Hơn nữa, một số phụ huynh chưa muốn tham gia BHYT mà tham gia các loại bảo hiểm thương mại khác.

Những nguyên nhân, lý do nêu trên khiến tỷ lệ BHYT toàn dân ở huyện Bù Đốp đạt thấp. Tính đến ngày 24-4, toàn huyện có 40.325 người tham gia BHYT, chiếm 79% dân số. Đây là tỷ lệ đạt thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

Thay đổi nhận thức người dân

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là “chìa khóa” nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ở huyện biên giới Bù Đốp cũng như toàn tỉnh. “Nghị quyết của Đảng bộ huyện cũng như của xã Hưng Phước phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ học sinh tham gia BHYT phải đạt 100%. Để đạt chỉ tiêu đề ra, ngoài tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tích cực tham gia, đối với những em hoàn cảnh khó khăn, trường vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ” - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hưng Phước Lê Kỳ Âu nêu giải pháp.

“Giải pháp của chúng tôi là chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu được ý nghĩa nhân văn khi tham gia BHYT. Đồng thời tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ thêm và chỉ đạo toàn ngành GD&ĐT tập trung vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm mua thẻ BHYT cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT huyện đã vận động được 60 triệu đồng mua thẻ BHYT tặng học sinh” - ông Trọng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Lý Thanh Sang chia sẻ: Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT, UBND xã xây dựng kế hoạch phân công các ban, ngành, đoàn thể, các ấp cùng với cán bộ phụ trách về y tế tăng cường đến cơ sở để phân tích rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với BHYT. Chỉ khi người dân hiểu rõ được quyền lợi, lợi ích của mình thì mới tự nguyện tham gia.

Theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh, người dân thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp mức sống trung bình trên địa bàn các thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 không được phê duyệt là thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ; xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 sẽ được tỉnh hỗ trợ mua thẻ BHYT. Đối với người Kinh được hỗ trợ 50% của các tháng 11, 12-2022 và giảm dần mỗi năm 5% từ năm 2023-2025. Đối với người DTTS sẽ được tỉnh hỗ trợ 70% của tháng 11, 12-2022 và giảm dần mỗi năm 5% từ năm 2023-2025.

So với Nghị quyết số 13 thì Nghị quyết số 16 có mức hỗ trợ cao hơn rất nhiều. Cụ thể, đối với đồng bào DTTS được tỉnh hỗ trợ 70% trong tháng 11, 12-2022 và 30% ngân sách Trung ương, tương ứng 100%; năm 2023 giảm 5% sẽ tương ứng 95%. Đối chiếu với mức hỗ trợ nêu trên thì năm 2023 đồng bào DTTS muốn có thẻ BHYT chỉ cần đóng 40.000 đồng. Và nếu bắt đầu tham gia từ đầu tháng 5-2023 (8 tháng) thì người dân chỉ đóng 27.000 đồng.

Nghị quyết số 16 có mức hỗ trợ giảm dần theo từng năm nhằm giúp người dân từng bước thích ứng, thay đổi tư duy, nhận thức về việc phải tự bỏ một phần kinh phí, tiến tới tự chủ hoàn toàn việc mua thẻ BHYT để tiếp cận dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe bản thân. Và để có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe bản thân trong 1 năm, đồng bào DTTS thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 16 chỉ cần bỏ ra số tiền rất ít, tương đương với giá 1 tô phở.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144146/go-kho-bao-hiem-y-te-vung-bien