Gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua đường biển

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, tính đến giữa tháng 8 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt hơn 244 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, tính đến giữa tháng 8 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt hơn 244 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ nét, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó là giá cước vận tải biển tăng cao. Nhằm tháo gỡ vấn đề này, nhiều đề xuất đã được các Bộ ngành và chuyên gia đưa ra cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất các chi tiết cơ khí cho ô tô, xe nâng, máy xúc, tàu điện, máy phát điện để xuất sang thị trường Nhật và Mỹ. Nếu như trước đây, việc xuất hàng từ cảng Hải Phòng sang NewYork, Mỹ chỉ khoảng 45 ngày, thì giờ đã tăng lên tối thiểu 60 ngày, chi phí vận tải cũng tăng cao so với trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng xung đột địa chính trị trên thế giới, tình hình bất ổn ở Biển Đỏ làm cho các hãng tàu mẹ thay đổi hành trình.

Ông Nguyễn Văn Nhận - Tổng giám đốc CTCP Cơ khí Việt Âu cho biết: "Việc logistics đi qua Biển Đỏ gặp rất nhiều khó khăn cho nên các hãng vận tải đều phải đi vòng qua một đường khác và đội chi phí tăng lên cũng như thời gian từ cảng Hải Phòng sang NewYork đều tăng gấp nhiều lần".

Từ cuối tháng 5 đến nay, giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp đôi so với đầu năm. Cước hàng đi từ TP Hồ Chí Minh đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên 7.000 USD. Giá cước đi các khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng từ 1.000 - 2.000 USD/container. Giá cước tàu tăng đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Trước tình hình này, Bộ Công thương và các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Trước hết chúng ta tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua việc tìm kiếm các đối tác tin cậy, để thiết lập 1 mối quan hệ lâu dài, từ đó chúng ta có thể có giá cước ổn định. Thứ 2 các doanh nghiệp cần có các kịch bản ứng phó trong hoàn cảnh biến động thị trường".

"3 điểm tôi muốn nhấn mạnh với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đó là tận dụng cơ hội, thứ 2 là bắt kịp xu thế, và thứ 3 là quản trị rủi ro thật tốt. Liên quan đến cái khéo léo trong các hợp đồng xuất khẩu, làm sao linh hoạt để có những điều chỉnh, thấy hết được những rủi ro để mình bảo vệ lợi ích của mình tốt nhất", TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho hay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển, giảm thấp nhất tác động của giá cước trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/192959/go-kho-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-qua-duong-bien.htm