Gỡ khó cho các hợp tác xã
Việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Tuy Phong thời gian qua đã phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các HTX vẫn còn nhiều 'nút thắt' cần quan tâm tháo gỡ…
Gỡ khó cho các hợp tác xã
Phát huy vai trò kinh tế tập thể
Toàn huyện Tuy Phong hiện có 10 HTX hoạt động kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp tại 8 xã, thị trấn. Trong đó, có 4 HTX là Long Điền 1, Long Điền 2, Long Hương, Lạc Trị cũ chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 tương đối hiệu quả và nguồn vốn sản xuất kinh doanh từ 400 triệu đồng lên đến gần 1 tỷ đồng/ HTX. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp huyện luôn thường trực khó khăn do hạn hán kéo dài, lượng nước tại các hệ thống hồ chứa luôn thấp hơn dung tích hữu ích, đến nay các HTX đã gieo trồng 2 vụ lúa với diện tích 3.310 ha cho năng suất khá. Cơ cấu cây trồng có bước chuyển giảm diện tích cây nho và cây trôm, cây táo có xu hướng phát triển nhất là ở các xã Phong Phú, Phú Lạc với tổng diện tích xấp xỉ 50 ha, tăng hơn 28 ha so với thời điểm cuối năm 2019. Các xã viên HTX đã áp dụng hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng một số giống mới như giống lúa Đài thơm 8, giống nho Hồng Nhật gắn với khâu làm nhà lưới tăng năng suất, thu nhập so với trước đây.
Sản xuất rau an toàn tại HTX Phước Thể
Hiện nay, các mô hình trồng hành tím giống mới theo hướng an toàn, liên kết chuỗi giá trị đã thực hiện thí điểm tại 2 xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân. Ngoài ra, còn một số mô hình khác như thâm canh giống nho Hồng Nhật tại xã Phước Thể, trồng nấm linh chi trong nhà liên kết với HTX Phúc Tín. Đơn cử HTX Long Điền 1, Long Điền 2, Lạc Trị, Phước Thể. Hiện đang thực hiện liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ cây lúa với tổng diện tích lúa xuống giống từ 400 - 500 ha, năng suất bình quân từ 6,5 – 7 tấn; HTX Long Hương sản xuất, bảo quản chế biến tiêu thụ sản phẩm gạo và nhãn hiệu một số cây trồng đặc thù của huyện Tuy Phong như “ớt chim Bình Thạnh”, “mủ trôm Tuy Phong” được duy trì. Nhờ vậy, giảm tự mua, tự bán so với những năm trước, hạn chế tư thương ép giá, thể hiện hiệu quả hoạt động của các HTX, tăng thu nhập cho xã viên và khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể.
Gỡ “nút thắt” về vốn
“Đa số các HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như cung ứng giống, vật tư, phân bón, cày trục… do đó chưa tăng sản lượng, giá trị của sản xuất nông nghiệp” – ông Nhữ Quốc Thích – Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong đánh giá. Mặt khác, các HTX có nhu cầu rất lớn về vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại gặp không ít khó khăn bởi HTX không có tài sản thế chấp. Đa số các HTX nông nghiệp huyện Tuy Phong, vốn trung bình của các HTX đều rất thấp và chủ yếu là tài sản cố định đã sử dụng lâu năm, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp khác cũng đã xuống cấp. Đến nay mới chỉ có 2/10 HTX có sổ đất xây dựng cơ sở làm việc, số còn lại đều mượn tạm cơ sở của UBND xã. Theo các HTX Long Điền 1, Long Điền 2, Long Hương và Lạc Trị phản ánh: Hiện nay khó khăn là thiếu vốn, nhất là vốn lưu động để mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ; việc huy động trong khi tiếp cận vốn vay tín dụng tại các ngân hàng thương mại khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các phương án sản xuất kinh doanh cũng như tâm lý e ngại rủi ro, thua lỗ nên hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX chưa được mở rộng, ngay cả một số HTX hiện nay hoạt động hiệu quả. Trước thực tế phần lớn HTX luôn trong tình trạng “khát vốn” và rất khó tiếp cận vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, phát triển bền vững. Rất cần có thêm những hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn từ quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đáp ứng mong đợi tiếp cận vốn vay của các HTX.
Thanh Duyên
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/go-kho-cho-cac-hop-tac-xa-133318.html