Gỡ khó cho Chương trình Mục tiêu quốc gia
Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc giải ngân Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 đang gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2024, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện các Chương trình MTQG là 801 tỉ đồng. Vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ là 731 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương là 70 tỉ đồng. Tổng vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và 2023 chuyển nguồn sang thực hiện năm 2024 là hơn 346 tỉ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Đến tháng 8/2024, tổng vốn đã giải ngân của các chương trình là hơn 239 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 20,9% kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Trị cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân chương trình. Cụ thể như, việc hỗ trợ đất sản xuất (đối với Dự án 1 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) gặp vướng mắc do quỹ đất trên địa bàn các xã còn ít, vì vậy khó thực hiện công tác tạo mặt bằng, khai hoang đất sản xuất giao tập trung cho các hộ hưởng lợi; nguồn gốc đất chồng lấn giữa các hộ dân và doanh nghiệp chưa được bóc tách, đất chưa được chuyển giao từ các công ty lâm nghiệp...
Đối với Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, địa phương cần nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác cũng như phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng đất rừng làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Đối với tiểu dự án 1 của Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 bãi bỏ Thông tư số 15/2022/TT-BTC nhưng không còn quy định nội dung hỗ trợ “kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu” nên tỉnh không có cơ sở phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này.
Đối với tiểu dự án 2 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị phải đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Quy định này rất khó thực hiện đối với trường hợp doanh nghiệp chủ trì chuỗi giá trị không có trụ sở đóng trên địa bàn của chương trình.
Mặt khác, chương trình chỉ hỗ trợ những đối tượng hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo, trong khi đó sự tham gia của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi là rất cần thiết, đây là điều kiện để dẫn dắt, hỗ trợ các hộ khác trong tổ, nhóm sản xuất vươn lên nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tạo động lực thúc đẩy những hộ gia đình có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia vào chương trình.
Đối với tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển KT-XH nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đang dừng triển khai theo Văn bản số 1017/UBDT-DTTS ngày 21/6/2023 của Ủy ban Dân tộc...
Nhằm gỡ khó trong quá triển khai thực hiện các chương trình MTQG nói chung, chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị phổ biến, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, Ủy ban Dân tộc sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-kho-cho-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-10291531.html