Gỡ khó cho giáo viên dạy học lớp 4
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn khi dạy học lớp 4.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức các các hoạt động học; phương pháp, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học tích cực; giáo dục STEM; đánh giá thường xuyên…
Để tháo gỡ khó khăn trên, thầy Trần Văn Khoái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Nam, Cụm trưởng Cụm chuyên môn số 1 thuộc phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) – cho hay, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Theo đó, các nhà trường, cụm chuyên môn lựa chọn một số môn học như: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử - Địa lý, Tiếng Anh, Tin học, nội dung dạy học STEM, giáo dục địa phương… để sinh hoạt chuyên môn.
Đề cập đến một số vấn đề còn khó khăn, cô Đoàn Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) cùng đội ngũ cốt cán của trường chia sẻ những vấn đề cần tháo gỡ như: lựa chọn nội dung khi dạy học chủ đề “Địa phương em” (Lịch sử và Địa lý 4);
Ngoài ra, cần chú ý đến cách sắp xếp, phân chia thời gian khi dạy học các chủ đề của một số môn có nhiều tiết học. Phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với yêu cầu của chương trình theo quy mô toàn trường, khối, lớp, dạy học STEM…
Theo kinh nghiệm của cô Đoàn Thị Hà, giáo viên cần xác định đúng mục tiêu bài học, lựa chọn nội dung phù hợp và sử dụng hợp lý các phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên. Qua đó, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Từ hoạt động sinh hoạt chuyên môn, cô Ngô Thị Thu Hương – giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã hiểu hơn về hình thức tổ chức cũng như những ưu điểm của các kỹ thuật dạy học tích cực. Từ đó có thể vận dụng linh hoạt và phù hợp trong công tác giảng dạy của mình.
Giờ đây, chỉ cần nhìn sách giáo khoa là cô có thể định hướng được sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực gì. Dự giờ là biết được đồng nghiệp vận dụng vào dạy học theo phương pháp mới như thế nào. “Giờ là lúc phải rèn luyện, “thực chiến mỗi ngày” để trở thành người “điều binh khiển tướng” trong tiết dạy” – cô Hương nhìn nhận.
Chia sẻ khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Trần Văn Nam - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng (Nam Định) mong muốn, các nhà trường khắc phục khó khăn, tạo động lực làm việc cho giáo viên.
Muốn vậy, cán bộ quản lý, giáo viên cần phát huy hơn nữa đổi mới, sáng tạo, tính chủ động, linh hoạt trong quản lý và dạy học. Ngoài ra, cán bộ quản lý cần chia sẻ, tháo gỡ kịp thời cho giáo viên khi thực hiện chương trình, nhất là với những nội dung mới.
Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực trong cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học; cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và chủ động sáng tạo trong bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên với các nội dung: Trí tuệ cảm xúc trong quản lý lớp học, xây dựng văn hóa nhà trường, học thông qua chơi...
Theo ông Trần Văn Nam, tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đội ngũ giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu với UBND huyện tăng cường đầu tư thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/go-kho-cho-giao-vien-day-hoc-lop-4-post659924.html