Gỡ khó cho ngành xi măng

Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, ngành xi măng hiện đang gặp khó khăn kép về tiêu thụ cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực tế này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành xi măng phục hồi và phát triển bền vững.

Ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh minh họa: S.T

Ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh minh họa: S.T

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều sụt giảm

Thông tin về hoạt động của ngành xi măng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng đều sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2023, tổng lượng sản xuất đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền trong toàn Ngành hoạt động trung bình chỉ đạt khoảng 75% tổng công suất thiết kế. Trong khi đó, trước năm 2022, các nhà máy thường vận hành trên 85%, thậm chí có những năm trên 95% công suất thiết kế.

Về tiêu thụ, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022; trong đó, tiêu thụ nội địa là 56,6 triệu tấn và xuất khẩu là 31,2 triệu tấn.

Tình hình sản xuất, tiêu thụ ảm đạm này vẫn tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng sản xuất xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng chỉ đạt khoảng 70 - 75% tổng công suất thiết kế; tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn. Về tiêu thụ, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Những khó khăn của ngành xi măng trong thời gian gần đây được ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) - lý giải, trước hết là do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm, thị trường nhà ở, bất động sản trầm lắng. Mặt khác, ở khía cạnh công nghệ xây dựng, các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông asphalt, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép còn rất hạn chế; công nghệ sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được sử dụng… Những yếu tố trên cũng làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, những yếu tố đầu vào cho sản xuất như giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành xi măng. Ngoài ra, thuế xuất khẩu clinker tăng gấp đôi (từ 5% lên 10%) từ ngày 01/01/2023 làm cho giá clinker xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản… Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất xi măng bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm.

“Ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn, nếu tình trạng trên kéo dài thêm nữa, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản hoặc phải chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ lụy tiêu cực nữa là nếu các nhà máy xi măng phải dừng hoạt động sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu xi măng cho toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…” - ông Cung bày tỏ lo ngại.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng số dây chuyển sản xuất xi măng đã đầu tư trên cả nước là 92 dây chuyền, với tổng công suất là 122,34 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ ngành xi măng phục hồi

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp xi măng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Xi măng là vật liệu xây dựng chủ yếu, là “bánh mỳ” của ngành xây dựng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp xi măng không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để đảm bảo an ninh cho ngành xây dựng, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước.

Từ yêu cầu đó cùng với thực trạng những khó khăn của ngành xi măng hiện tại, ông Nguyễn Quang Cung kiến nghị, để hỗ trợ ngành xi măng phát triển, Nhà nước cần có các giải pháp tăng lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa. Theo đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn; thay thế loại đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi có nền đất yếu và những nơi cần cho thoát lũ như miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, trong điều kiện nguồn cung xi măng trong nước hiện khá dồi dào, cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng - đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông.

“Gia cố nền đường bằng xi măng - đất cho phép sử dụng tất cả các loại đất tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm/hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì trong suốt vòng đời của công trình. Công nghệ này đã được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng rất hiệu quả” - ông Cung thông tin.

Cùng với những giải pháp kích cầu tiêu thụ nội địa, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, đại diện VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker, vì đây là loại sản phẩm chế biến sâu chứ không phải sản phẩm thô. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker, VNCA kiến nghị giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tới ở mức 5% (như mức thuế áp dụng trước năm 2023) và xem xét sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất clinker theo hướng sản xuất clinker thuộc đối tượng hàng hóa được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, trong bối cảnh gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp trong ngành xi măng cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị xử lý, tái chế chất thải trong nhà máy sản xuất xi măng; cũng như có các chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất.

Liên quan đến những kiến nghị của VNCA, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những kiến nghị của Hiệp hội; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp thu những kiến nghị trên, nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành xi măng, qua đó hỗ trợ, thúc đẩy Ngành phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/go-kho-cho-nganh-xi-mang-33509.html