Gỡ khó cho phát triển điện khí LNG
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) xác định điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng các nhà máy điện này đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Tuy nhiên, làm việc với Bộ Công Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Thái Văn Phong cho biết, dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, để chủ đầu tư triển khai đường dây, đấu nối.
Còn Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang thông tin, khó khăn lớn nhất là việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa PV Power và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kéo dài hơn 2 năm. “PV Power đề xuất mức sản lượng bao tiêu hằng năm là 90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại, phù hợp với thời gian trả nợ vay của dự án. Tuy nhiên, bên mua điện cho rằng điều này chưa có tiền lệ, phải chờ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”, ông Nguyễn Duy Giang nói.
Không chỉ dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4, những dự án LNG khác như LNG Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh), Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II (Bình Thuận), LNG Quảng Ninh, LNG Bạc Liêu… cũng gặp khó khăn tương tự.
Tránh hệ lụy nếu chậm tiến độ
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, theo Quy hoạch điện VIII, chỉ còn 7 năm nữa để các dự án LNG đi vào vận hành. Do đó, giải pháp là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án điện LNG, thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ vay vốn và quy định rõ ràng về quy trình phê duyệt, triển khai dự án LNG. Chính phủ có thể hỗ trợ tài chính cho các dự án hạ tầng LNG thông qua các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư, giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu và tăng khả năng thu hồi vốn đối với các dự án.
Từ những vướng mắc thực tế, Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án điện khí LNG; cho phép các dự án này được chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện, cam kết sản lượng điện phát hằng năm dài hạn.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng mong muốn các bộ, ngành sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, để bảo đảm triển khai các dự án điện LNG đúng tiến độ, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng yêu cầu trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, các chủ đầu tư cũng có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, có thành phần chủ yếu là methane. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Do đó, phát triển ngành công nghiệp khí LNG bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-kho-cho-phat-trien-dien-khi-lng-642141.html