Gỡ khó cho việc dạy tích hợp liên môn

Năm học 2021-2022, khối lớp 6 có 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên và Lịch sử & Địa lí. Làm thế nào để dạy hiệu quả 2 môn học tích hợp lần đầu tiên có trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam?

Tiết trải nghiệm học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam của học sinh Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội (ảnh chụp tháng 3/2021). Ảnh: Diệp An

Các trường không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ, vì gần như 100% giáo viên dạy Khoa học tự nhiên và Lịch sử & Địa lí được đào tạo đơn môn. Vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức buổi tư vấn hướng dẫn tổ chức thực hiện 2 môn học tích hợp.

PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Phó trưởng khoa Vật lí - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay, dựa theo các văn bản hướng dẫn trước năm học mới của Bộ GD&ĐT, môn Khoa học tự nhiên gồm các mạch kiến thức như: vật chất và sự biến đổi của chất; vật sống; năng lượng và sự biến đổi; trái đất và bầu trời. Các mạch kiến thức này được cấu tạo một cách tuyến tính, theo mức độ nào đó thì có cấu trúc đồng tâm.

Đồng thời, có một số nội dung thể hiện sự liên môn tích hợp nhằm thể hiện nguyên lý hình thành các tri thức. Ông Biên cho rằng, các trường có thể tổ chức đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ đảm bảo tính khoa học, sư phạm, do vậy, có thể dạy song song hoặc cuốn chiếu. Cách dạy song song dễ xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên, nhưng phải lưu ý tính logic, liên môn phối hợp giữa các giáo viên. Dạy học cuốn chiếu có ưu điểm dễ đảm bảo logic các mạch nội dung, nhưng nhiều trường sẽ khó xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói rằng, với môn Lịch sử & Địa lí, mạch kiến thức của 2 phân môn được thiết kế tương đối độc lập nên các trường cần xây dựng kế hoạch dạy học song song để đảm bảo thời lượng dạy học và điều kiện thực tiễn. Theo PGS.TS Kiều Văn Hoan, Khoa Địa lí - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với chương trình mới, giáo viên thay đổi cách dạy học hình thành kiến thức sang phát triển năng lực người học.

Về kiểm tra, đánh giá, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cho hay, ở học kỳ I, phần Lịch sử sẽ có 3 cột điểm, Địa lí 1 cột điểm; sang học kỳ II đổi ngược lại. Bài kiểm tra đánh giá định kỳ gồm một bài giữa kỳ và cuối kỳ kiểm tra chung với cấu trúc 70% dung lượng kiến thức Lịch sử, 30% môn Địa lí ở học kỳ I và ngược lại ở học kỳ II.

Tổng hợp các bộ SGK thành tài liệu riêng

Tại buổi tư vấn, nhiều giáo viên nêu vấn đề làm sao sử dụng hiệu quả SGK khi có nhiều bộ sách. GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định, với chương trình mới, SGK quan trọng nhưng không phải nguồn duy nhất. Nội dung thông tin được giáo viên sử dụng cần đạt được các yếu tố như phù hợp với địa lí vùng miền, văn hóa, kinh tế, đặc điểm của học sinh, sở trường của giáo viên…, nên một nhóm tác giả viết SGK không thể thỏa mãn tất cả các đối tượng. Do đó, giáo viên có thể tổng hợp từ các bộ SGK thành tài liệu riêng để dạy, miễn sao đạt được mục đích mà chương trình yêu cầu, ông Báo nói.

Các trường THCS đã ban hành kế hoạch giảng dạy đối với 2 môn tích hợp. Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng) phân công giảng dạy trong học kỳ I theo thời khóa biểu 2 tiết Sinh học, 2 tiết Hóa học; học kỳ II, giảng dạy 2 tiết Vật lí, 1 tiết Sinh học và 1 tiết thực hành. Nhà trường sẽ sáp nhập 2 tổ chuyên môn Hóa - Sinh và Lí - Công nghệ thành tổ Khoa học tự nhiên để thuận tiện trong sinh hoạt chuyên môn.

Giáo viên nhiều trường cho rằng, với môn Khoa học tự nhiên, có thể chia thời khóa biểu theo phân môn, không nên dạy kiểu cuốn chiếu, và không thể để một giáo viên “ôm” hết cả 3 mạch kiến thức trong khi chỉ được đào tạo đơn môn.

Dạy học tích hợp, liên môn được xem là phần cốt lõi của chương trình SGK mới. Các trường phổ thông cơ bản đã triển khai dạy học tích hợp, liên môn theo hướng xây dựng các chủ đề dạy học nhằm hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/go-kho-cho-viec-day-tich-hop-lien-mon-post1376124.tpo