Gỡ khó để các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đánh giá, chính sách miễn, giảm thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Mặc dù vậy, việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các doanh nghiệp còn vướng mắc; tốc độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, không bảo đảm thời gian theo quy định… là những vấn đề cần tập trung khắc phục, tháo gỡ.

Thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo báo cáo kết quả giám sát, quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Hòa Bình cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, các cấp, ngành đã khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin về các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ đến người dân, doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả, sớm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh; kịp thời thi hành các chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; bảo đảm hiệu quả trong thi hành chính sách.

Khảo sát thực tế tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, sau 2 năm triển khai thực hiện, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đầu tư các dự án y tế, hạ tầng giao thông; đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở trợ giúp xã hội; thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cùng với các chính sách tiền tệ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát tình hình thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 trên địa bàn tỉnh. Ảnh T. Tâm

Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát tình hình thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 trên địa bàn tỉnh. Ảnh T. Tâm

Năm 2023, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ước đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, giải quyết việc làm mới cho 1.760 người, toàn tỉnh có 739 doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,29 % xuống còn 9,2%. Nhờ đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách về các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào miền núi với miền xuôi.

Các chương trình cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm

Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng nhận thấy, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và công tác tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết có một số tồn tại, hạn chế. Nhất là, xác định đối tượng miễn, giảm thuế suất giá trị gia tăng còn khó khăn. Trong khi đó, việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại còn phức tạp về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí xác định đối tượng cho vay. Mặc dù chính sách miễn, giảm thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước. Báo cáo của Cục Thuế tỉnh, các Chi cục Thuế chưa đánh giá được đầy đủ hiệu quả, tác động của chính sách miễn, giảm thuế đối với từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn, giảm thuế.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án tỉnh, hiện nay, các trạm biến áp hiện có của các Trung tâm y tế không đủ công suất khi đưa các hạng mục được đầu tư xây dựng vào sử dụng. Đồng thời, Công ty Điện lực Hòa Bình đã khảo sát và có ý kiến đề nghị chủ đầu tư bổ sung trạm biến áp cho 3 trung tâm y tế tuyến huyện (Yên Thủy, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình). Tuy nhiên, chủ trương đầu tư dự án không được đầu tư xây dựng trạm biến áp và nếu đầu tư sẽ vượt tổng mức đầu tư được giao. Đây là một trong những khó khăn sau khi các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng và sẽ không phát huy được hiệu quả đầu tư.

Trước thực tế trên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc đề nghị, các huyện bổ sung nội dung đánh giá hiệu quả, tác động của việc thực hiện chính sách đối với đời sống người dân; tăng cường tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhằm kích thích thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đối với dự án về Trung tâm y tế, UBND tỉnh cân đối nguồn lực xem xét đầu tư cải tạo, nâng cấp công suất các trạm biến áp tại các công trình thuộc dự án; đáp ứng nhu cầu phụ tải và kịp thời cấp điện cho các công trình nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Đoàn ĐBQH cũng kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu, xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả chính sách mang lại thời gian qua. Đồng thời, xem xét, quyết định cho phép tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn của dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn km19+00 - km53+00 đến hết năm 2025 để bảo đảm thời gian thực hiện dự án.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/go-kho-de-cac-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-phat-huy-hieu-qua-i360775/