Gỡ khó để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm văn hóa… nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết những thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều thành tựu nhưng chưa đạt kỳ vọng
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã mang đến những thành tựu đáng khích lệ đối với nền kinh tế. Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Nhiều sản phẩm, dịch vụ, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế. “Tất cả đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo đa dạng ở nước ta”, PGS-TS Nguyễn Thu Phương nhận định.
Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, trong khoảng 10 năm qua, các ngành CNVH và sáng tạo như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... không chỉ làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn đang trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Chỉ tính riêng lĩnh vực điện ảnh, tổng doanh thu trong năm 2023 đạt khoảng 3.700 tỷ đồng (151 triệu USD), trong đó doanh thu phim Việt đạt hơn 1.500 tỷ đồng (chiếm 41%). Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước còn chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành “tiêu tiền”... đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển CNVH.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, hành trình phát triển các ngành CNVH của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Điều này đòi hỏi phải có đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển tương lai trong lĩnh vực này.
Cần nhiều sự khích lệ, hỗ trợ từ nhà nước
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, nhà nước cần tăng cường đầu tư cho văn hóa, như xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật… áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp; sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông”. Ngoài ra, nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành CNVH sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết, có sự tương hỗ với các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiến lược đào tạo nghề...
Nhạc sĩ Quốc Trung, nhà sản xuất một số sự kiện âm nhạc lớn, cũng chỉ ra những khoảng trống về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ nghệ sĩ hoạt động ngoài nhà nước. “Cần xóa ranh giới trong và ngoài nhà nước để thúc đẩy nhiệt huyết sáng tạo nói chung của giới nghệ sĩ, vốn là lực lượng rất dồi dào”, nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị.
Cùng chung nhận định, Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly cũng cho rằng, mặc dù đã có những bước tiến trong quan hệ công-tư, nhưng cần phải hiện thực hóa những vấn đề về thuế, hạn mức, định mức thanh toán, thời hạn thanh toán… “Những vấn đề này có tác động rất lớn đến doanh nghiệp”, bà Trương Uyên Ly nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Bros) cho rằng, CNVH phải hội tụ đầy đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường như: doanh nghiệp (nhà đầu tư, nhà quản trị kinh doanh), khối vận hành sản xuất, người thực hành sáng tạo (văn nghệ sĩ), khâu trung gian phân phối, người tiêu thụ sản phẩm (khách hàng, công chúng), nhà quản lý. Theo ông Lê Quốc Vinh, doanh nghiệp, nhà đầu tư giữ vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ 6 bên này, do đó, nhà nước cần quan tâm khích lệ, hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho văn hóa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-kho-de-cong-nghiep-van-hoa-phat-trien-ben-vung-post748918.html